Tăng cường ngoại giao với các nước lớn nhưng phải đảm bảo gắn kết khu vực
Đánh giá về vai trò ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia lớn trong khu vực và trên quốc tế, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhận định, các nước lớn cũng như các nước láng giềng rất quan trọng với môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của Việt Nam. Sự tương tác của các nước lớn và những chính sách của các quốc gia này có tác động rất lớn với cục diện khu vực và thế giới, vì vậy, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan hệ đối tác với các nước lớn đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh chia sẻ với báo chí bên lề HNNG 30. Ảnh: Phan Nhung |
“Trong quan hệ với các nước lớn, tôi rút ra những kinh nghiệm như sau: Nếu chúng ta gắn kết được các lợi ích đan xen giữa Việt Nam và các nước lớn thì chúng ta sẽ có được mối quan hệ ổn định, tranh thủ được những lợi ích song trục và tạo ra những giá trị không chỉ song phương mà còn vượt ra khỏi khuôn khổ song phương, đó là quan hệ với khu vực, quan hệ trong thể chế đa phương, ứng phó với những vấn đề toàn cầu. Điểm nữa là khi chúng ta có quan hệ tốt với các nước lớn thì vị thế và vai trò của Việt Nam trong quan hệ chung về đối ngoại cũng như trong quan hệ hợp tác thể chế quốc tế lại được tăng cường. Cuối cùng là thể hiện chủ trương đa dạng hóa và độc lập tự chủ của Việt Nam thì tăng cường quan hệ với các đối tác lớn sẽ tạo cơ hội cho chúng ta quan hệ trên toàn cục, phù hợp với chủ trương về hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của Việt Nam”, nhà ngoại giao phân tích.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cũng cho rằng, đẩy mạnh quan hệ với các nước lớn là một việc Việt Nam phải làm nhưng cũng có những điểm cần chú ý.
“Nước lớn họ có cách nhìn của nước lớn, trong quá trình chuyển đổi, họ có tương tác mà không phải lúc nào cũng gắn kết với lợi ích của các nước nhỏ. Do vậy, một mặt chúng ta cần nắm sát những diễn biến đó, mặt khác phải nắm chắc những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là độc lập tự chủ, tạo môi trường thuận lợi, ổn định và hòa bình, đa dạng hóa quan hệ để chúng ta không phải lệ thuộc vào ai. Cuối cùng là chúng ta cần phải gắn kết với khu vực để tạo thế và giá trị khu vực, giá trị chiến lược của Việt Nam. Vì vậy, theo tôi, việc chúng ta tham gia vào các thể chế khu vực như ASEAN, APEC và cả các thể chế quốc tế sẽ tạo được sự cân bằng trong quan hệ đối ngoại”, cựu Đại sứ nhận định.
Đánh giá về HNNG 30, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho biết, HNNG lần thứ 30 lần này có một nhiệm vụ rất quan trọng là kiểm điểm lại hai năm qua trong thực hiện Nghị quyết về đối ngoại, phát triển và bảo vệ Tổ quốc từ Đại hội Đảng lần thứ XII, cũng như hướng tới chuẩn bị cho Đại hội XIII.
Trước phiên bế mạc của HNNG 30 vào cuối ngày hôm nay (17/8), nguyên Đại sứ cũng đưa ra một số nhận định về Kế hoạch hành động của ngành ngoại giao trong thời gian tới.
Một là, chủ trương chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là đa phương hóa, đa dạng hóa, độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động hội nhập một cách sâu rộng để đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển lâu dài. Đó vẫn là nguyên giá trị và càng ngày càng cần được phát huy.
Hai là, chúng ta có một bề dày quan hệ sâu rộng với tất cả các nước, và sẽ tiếp tục được nhân lên trong thời gian tới. “Hội nghị đã kiểm điểm lại quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chủ chốt và các láng giềng, làm sao để nâng tầm quan hệ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, không chỉ ổn định mà còn đáp ứng lợi ích của cả hai bên, nhất là lợi ích về nhu cầu phát triển kinh tế”, nhà ngoại giao cho biết.
Ba là, trong quá trình thế giới đang chuyển động, đòi hỏi ngành ngoại giao phải dự báo được tình hình. “Làm sao cho Việt Nam có thể tranh thủ được cơ hội và thời cơ đặt ra nhưng đồng thời ứng phó được với những thách thức có thể nảy sinh, ví dụ như cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, nó có thể tạo ra các rủi ro cho liên kết khu vực, cho sự phát triển và thậm chí là ảnh hưởng tới thương mại, kinh tế của Việt Nam”, ông Phạm Quang Vinh phân tích.
Ngoài ra, Hội nghị lần này cũng khẳng định lại rằng muốn phát triển đất nước cần song hành hai điểm, trước hết phải tăng cường nội lực, công cuộc đổi mới, thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp và đảm bảo phát triển kinh tế vĩ mô; nhưng đồng thời dù bên ngoài có khó khăn thế nào thì chúng ta cũng cần chủ động hội nhập, hội nhập một cách sâu rộng để có thể gắn kết kinh tế của Việt Nam với kinh tế thế giới, tạo ra môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển và đồng thời nâng tầm dần sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị của thế giới. Điều này sẽ giúp tăng về chất trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, một điểm nữa không kém phần quan trọng là công tác cán bộ. Trong Hội nghị rất nhiều nhà ngoại giao trích dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “công tác cán bộ là then chốt”. Việc nâng tầm và bản lĩnh cán bộ làm công tác đối ngoại là rất quan trọng, để có thể không chỉ vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước, mà còn tranh thủ được sự hữu nghị, tranh thủ những thời cơ, nắm bắt tình hình để kiến nghị đối sách.