Tân Sơn Nhất tiếp tục là sân bay dùng chung dân sự và quân sự
Các máy bay xếp hàng tại khu vực cảng quốc tế. |
Cụ thể sân bay sẽ đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I. Vì vậy về tính chất sử dụng, đây sẽ là sân bay dùng chung dân sự và quân sự.
Theo quy hoạch, sản lượng vận chuyển hành khách sẽ đáp ứng 50 triệu khách/năm. Sản lượng vận chuyển hàng hóa khoảng 0,8 - 1,0 triệu tấn/năm, có thể khai thác các loại máy bay như A320/321, B747, B777/787, A350 và tương đương, với 106 vị trí đỗ.
Sân bay sẽ giữ nguyên đường cất hạ cánh (CHC) 25R/07L kích thước 3.050m x 45m; giữ nguyên đường CHC 25L/07R kích thước 3.800m x 45m. Khi có nhu cầu xây dựng đường lăn vòng đầu 07R cho máy bay code C, sẽ tiến hành nghiên cứu phương án dịch chuyển đường CHC 25L/O7R về phía Đông (phía đầu 25L) khoảng 186m để xây dựng đường lăn vòng (phía đầu 07R).
Về đường lăn, quy hoạch đã bổ sung 3 đường lăn song song bao gồm: 1 đường lăn song song giữa hai đường CHC và cách hai đường CHC hiện hữu khoảng 182,5m; 1 đường lăn song song ở phía Nam của đường CHC 25L/07R và cách đường CHC 25L/07R 182,5m, cách đường lăn song song hiện hữu 117,5m; 1 đường lăn song song ở phía Bắc của đường CHC 25R/07L và cách đường CHC 25R/07L 182,5m.
Về hệ thống giao thông ngoài sân bay. Quy hoạch cho thấy sẽ sử dụng đường Trường Sơn hiện hữu và thêm tuyến đường trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa với quy mô 4-6 làn xe.
Đồng thời mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường Thân Nhân Trung với quy mô 4 làn xe, mở rộng đường 18E với quy mô 4-6 làn xe, và nghiên cứu quy hoạch bổ sung cầu vượt trên cao đoạn từ đường Phan Thúc Duyên qua đường Trần Quốc Hoàn, Thăng Long đến khu vực sân bóng Chảo Lửa để kết nối giao thông từ khu vực trung tâm thành phố đến nhà ga hành khách T3.
Với các công trình phụ trợ, Bộ cho biết sẽ quy hoạch bổ sung 1 trạm khẩn nguy cứu hỏa ở khu vực phía Bắc; trạm xe ngoại trường có diện tích 3.500m2; bãi tập kết phương tiện mặt đất khoảng 30.000m2 và tối thiểu có 4 hangar sửa chữa máy bay thân lớn.
Tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh khoảng 791ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý). Trong đó diện tích đất sân bay hiện hữu là 545ha, diện tích đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ chiếm 19ha, diện tích đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng khoảng 18ha, diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Nam là 35ha và diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Bắc khoảng 171ha.
Đường cất hạ cánh25L/07R kích thước 3.800m x 45m sẽ được giữ nguyên. |
Về lộ trình đầu tư, quy hoạch ưu tiên triển khai đầu tư ngay nhà ga hành khách T3, sân đỗ, đường giao thông và các công trình phụ trợ trên diện tích đất được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao để giảm ùn tắc giao thông.
Đối với các công trình khu vực phía Bắc cần ưu tiên triển khai đầu tư ngay hồ chứa nước và trạm bơm cưỡng bức trên diện tích đất được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao để chống ngập úng.
Đối với các công trình khu bay sẽ ưu tiên triển khai đầu tư, nâng cấp các công trình đường cất hạ cánh, đường lăn song song, đường lăn nổi và các công trình phụ trợ để nâng cao năng lực vận chuyển.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, ngay sau buổi công bố, các đơn vị sẽ bắt tay ngay vào thực hiện, với mục tiêu vừa đảm bảo năng lực vận tải, vừa đảm bảo giảm ùn tắc giao thông khu vực này.
Đề cập đến sân bay Long Thành, ông Thọ nhấn mạnh Bộ kiểm soát chặt tiến độ để tháng 10/2019 sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 1, có công suất 25 triệu hành khách/năm.