Tâm thư của Hội Quy hoạch Đà Nẵng gửi lãnh đạo TP về bến du thuyền DHC
Từ trước khi dư luận bùng lên những ý kiến phản đối dự án “Tháp hải đăng” mà thực chất là tòa nhà phức hợp khách sạn, văn phòng căn hộ cao cấp 25 tầng trong quần thể dự án bến du thuyền DHC Marina ở bờ Đông sông Hàn, ngày 2/1/2015, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng đã gửi đến lãnh đạo TP công văn số 35/CV-HQH bày tỏ sự không đồng tình dự án này với những phân tích hết sức tâm huyết, trách nhiệm.
KTS Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng phát biểu tại buổi lấy ý kiến phản biện của chuyên gia về đồ án của Công ty tư vấn JiNa quy hoạch hai bờ sông Hàn do Sở Xây dựng Đà Nẵng tổ chức chiều 17/7 (Ảnh: HC) |
Ngay trong tháng 1/2015, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã quyết định đình chỉ dự án "Tháp hải đăng" (Infonet đã đưa tin), nhưng những vấn đề mà công văn 35/CV-HQH – được xem như bức tâm thư - của Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng đề cập về quy hoạch hai bờ sông Hàn nói chung, dự án bến du thuyền DHC Marina nói riêng thì đến nay vẫn đang nóng hổi tính thời sự.
Báo điện tử Infonet xin đăng tải nguyên văn bức tâm thư này của Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng để công luận thêm rộng đường xem xét vấn đề:
Đà Nẵng, ngày 02 tháng 01 năm 2015
Kính gửi: - Thành ủy thành phố Đà Nẵng
- Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng
- Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng
- Các sở ban ngành TP. Đà Nẵng.
Qua cuộc họp “Tham vấn” cho Lãnh đạo thành phố ngày 25 tháng 12 năm 2014, chúng tôi được biết thành phố có chủ trương cho phép triển khai đầu tư xây dựng một số dự án quan trọng trong quần thể dự án Bến Du thuyền MARINA bên bờ Đông sông Hàn, trong đó có dự án Công trình Tòa nhà phức hợp khách sạn, văn phòng căn hộ ở cao cấp được biểu tượng như ngọn hải đăng cao 25 tầng tọa lạc trên dòng sông Hàn?
Ngày 30/12/2014, Thường trực Hội Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đã triệu tập cuộc họp bất thường Ban Thường vụ Hội , với ý thức trách nhiệm nghề nghiệp cao và tình yêu đằm thắm của những người con yêu quê hương Đà Nẵng đối với một đô thị đáng sống, đáng tự hào, trân trọng…, chúng tôi xin được phép trình bày một số quan điểm và kiến nghị như sau:
1. Về điều kiện tự nhiên và Dòng sông Hàn cần thiết phải được quý trọng nâng niu giữ gìn.
Thành phố Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng Biển – Núi – Sông liền kề xen đan trong thành phố. Non nước trong xanh hiền hòa, dạt dào sóng vỗ, cỏ cây hoa lá xanh biếc, mây trời bao la, nắng gió ngập tràn … vô cùng độc đáo, hấp dẫn đầy quyến rũ lạ thường.
Dòng sông Hàn “ độc nhất, vô nhị” không một thành phố thứ hai có được với một không gian thoáng rộng đôi bờ, nước xanh gợn sóng đuổi xô mạn thuyền, quanh năm suốt tháng hòa quyện với mây trời, núi non. Không chỉ tự nhiên như vậy, mà trên dòng sông ấy từ bao đời đã chấp cánh những sải chèo trôi chảy mưu sinh, đón nhận và tiếp sức những con tàu cập bến rồi hành trang tiếp tục với biển khơi kiếm sống sinh nhai. Rồi những ngày lễ hội, cũng dòng sông này âm vang cờ súy, chiêng trống reo hò của già, trẻ, gái, trai rộn rã trong những cuộc tranh đua bơi lặn, trải thuyền…
Tuy vậy, cũng có tháng, có năm trong mùa mưa lũ, dòng nước xanh trong của dòng sông Hàn biến thành màu đỏ đục cuộn sóng, ào chảy từ thượng nguồn, từ các nhánh sông Cẩm Lệ, Cổ Cò, Cầu Đỏ, Túy Loan cuốn theo những thân cây, xác súc vật, rác rưởi sinh ra những va đập khó lường, gây ảnh hưởng đến tốc độ dòng chảy do tác hại của những vật cản trên sông… và làm ứ đọng nước lũ tại dưới chân các mố ở các cầu Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Cầu Đỏ làm mực nước đã từng dâng cao đến 3-4 mét gây tác hại cho nhiều công trình xây dựng, ảnh hưởng đến mọi hoạt động của Đô thị, do đó cần được bảo tồn, tôn tạo để phát triển bền vững hệ môi trường sinh thái tự nhiên của dòng sông Hàn.
2. Chủ trương Quy hoạch Vệt trục không gian sông Hàn trở thành trục chính trung tâm thành phố:
Từ những năm 1987, khi thành phố Đà Nẵng còn trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Lãnh đạo tỉnh đã chủ trương “Nối” hai bờ sông Hàn kéo dài từ vịnh biển Tiên Sa đến Cầu Đỏ và mở rộng không gian thông thoáng hai bên bờ sông. Sau khi chia tách tỉnh, thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Lãnh đạo thành phố cùng toàn quân dân đồng thuận, đã quyết tâm cao và nỗ lực giải phóng vệt dãy nhà “chồ”, bến tàu thuyền, cảng cá Nại Hiên, bến bãi than Mân Thái, An Hải Tây, cầu tàu và bến cảng Đông Bắc cầu Nguyễn Văn Trỗi…
Bên bờ Tây sông Hàn thì giải phóng vệt bến cảng sửa chữa tàu thuyền Quân khu 5, cơ sở chế biến thủy hải sản, bãi than củi (phía Đông Bảo tàng Chàm), bến phà đầu đường Phan Đình Phùng, Thủy tạ Kim Đình, nhà hàng Quê Hương (trước mặt hướng Đông khách sạn NOVOTEL); nhà Cảng vụ; dãy nhà kho hàng hóa Cảng Đà Nẵng; khu cảng cá Thuận Phước, khu Đầm rong…
Từ đó, đã tạo cho dòng sông Hàn khoác lên bộ áo mới, một bộ mặt mới xứng tầm của một đô thị văn minh hiện đại hài hòa với thiên nhiên với tầm nhìn thông thoáng, rộng mở, kết nối tầm nhìn với Bán đảo Sơn Trà với những cây cầu mang đầy ý tưởng biểu tượng sâu sắc: Cầu dây văng Thuận Phước như cổng trời, thể hiện ý chí khát khao vươn cao tầm nhìn phát triển ra biển Đông, cầu Rồng biểu hiện nghị lực phi thường, cầu treo một trụ Trần Thị Lý, cầu quay Sông Hàn… biểu hiện những ước mơ cao đẹp, hiện thực cuộc sống tinh thần lành mạnh của người dân Đà Nẵng cần cù, chịu khó, nhân ái , vị tha.
Lãnh đạo, quân và dân thành phố Đà Nẵng đã đồng thuận nhất quán, đã nỗ lực bền bỉ không biết mệt mỏi, tốn kém và cả những hy sinh nhiều công của để trong suốt 25 năm qua đã giải phóng không nhỏ những khu nhà ổ chuột, những công trình, những vật cản tầm nhìn từ hai phía bờ và kéo dài dọc sông Hàn như nêu trên. Sự quyết tâm đó cho đến ngày hôm nay từ người dân thành phố đến du khách khắp nơi mỗi khi về đây cũng đều tự hào bởi một không gian yên ả, đầy thơ mộng quyến rũ.
Như vậy, chúng tôi thiết nghĩ: không thể xóa bỏ những hy sinh, đồng thuận trong suốt một chặng đường qua, không thể vì một chút lợi ích của đầu tư, để rồi ngày hôm nay chúng ta lại thay thế trên dòng sông ấy bằng những cụm quần thể công trình du thuyền MARINA vươn ra dòng nước, rồi lại vươn cao 25 tầng trên sông Hàn ở chính ngay trục giữa không gian trung tâm thành phố, chắc chắn sẽ là không công bằng, sẽ là những công trình, vệt cản mới, che chắn tầm nhìn hướng dọc sông Hàn đối với núi Sơn Trà, các cầu biểu tượng “Cổng Trời” “ Cầu Rồng”. Những cánh buồm đa sắc màu rực rỡ chắc chắn sẽ cản trở những hoạt động vui chơi giải trí, đua thuyền thể thao, lễ hội, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những chấn động, suy biến đến nền địa tầng, địa chất, thủy văn lòng sông Hàn.
Trên dọc trục không gian chính Trung tâm sông Hàn, ngay trung tâm ở hai bên bờ sông hiện nay vẫn còn đang xen nhà ở chia lô liền kề, công trình hành chính, công sở, khách sạn, nhà hàng, bến tàu thuyền, kho tàng, không đóng góp hiệu quả cao cho kiến trúc cảnh quan vệt trục quan trọng này cần được từng bước giải phóng nhường chỗ cho kiến trúc cao tầng.
Từ bờ Tây cầu Thuận Phước đến cầu Nguyễn Văn Trỗi và bờ Đông cầu Sông Hàn dến cầu Rồng cần được lùi sâu vào trong vệt hai tuyến đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo, hình thành khối cụm công trình và cần được nghiên cứu kỹ sâu để tổ hợp các khu chức năng kiến trúc đa dạng, phong phú và hài hòa với điều kiện tự nhiên của sông, núi, tôn vinh trục, phát triển trục trở thành vệt không gian trung tâm, hiện đại, văn minh, phồn thịnh và phải rất hạn chế những công trình dịch vụ vui chơi giải trí vươn ra mặt nước cho dù thấp tầng và phải được quản lý, xem xét, giám sát tốt việc xử lý an toàn vệ sinh môi trường của các công trình đang hiện diện trên dòng sông.
3.Thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Lãnh đạo thành phố chủ trương phát triển Đô thị Đà Nẵng trở thành thành phố trung tâm dịch vụ - du lịch quốc tế. Năm 2015 là năm văn hóa đô thị.
Vì vậy, để đạt những mục tiêu trên, chúng tôi mong muốn những nhà lãnh đạo thành phố, trong từng bước đi phát triển cần cân nhắc xem xét kỹ lưỡng các dự án các công trình quan trọng; cần thiết giao nhiệm vụ cho các tổ chức hội nghề nghiệp tư vấn, phản biện, tham khảo ý kiến nhân dân, với mục đích giữ gìn, tôn tạo các điều kiện tự nhiên, thiên nhiên ban tặng, biết quý trọng những không gian xanh của núi Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Phước Tường, Hải Vân, Bà Nà – Núi Chúa… đến không gian thông thoáng bao la mặt nước của Vịnh Đà Nẵng, Biển Đông, chấp nối sông Hàn, sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Cầu Đỏ, Túy Loan, Cu Đê… để cẩn trọng khai thác, phát triển, bảo tồn sao cho hòa quyện với sự sáng tạo Quy hoạch, Kiến trúc, Xây dựng và cuối cùng là đầu tư tương xứng cho thành phố tiếp tục bứt phá đi lên phát triển bền vững.
Thay mặt Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP Đà Nẵng
Chủ tịch (đã ký)
HOÀNG QUANG HUY