"Tài sản do người thân lãnh đạo đứng tên cũng cần có xác minh, cần đánh giá"
ĐBQH Đặng Thuần Phong: Việc xác minh giúp làm trong sạch nội bộ nếu cán bộ mình làm giàu thực sự được thì nên nhân điển hình, còn cái nào không đúng chúng ta mới có cơ chế xử lý, chứ còn kê khai rồi bỏ đó có tác dụng gì. |
Theo ĐB Đặng Thuần Phong, việc giám sát tài sản của người thân quan chức lâu nay gặp khó khăn bởi nhiều người đang khai thác kẽ hở "ai cũng có quyền đứng tên sở hữu tài sản".
“Chuyện ai đứng tên không là vấn đề mà nguồn tiền đó từ làm ăn của họ có tạo ra được như thế không?”, ông Phong nói.
“Nguyên tắc là các quan chức không dại gì dùng tên mình đứng tên chủ sở hữu tài sản – vừa để vừa tránh dư luận lại vừa an toàn cho mình nên bao giờ cũng để cho người thân, người này người nọ đứng tên. Do đó, tài sản do người thân lãnh đạo đứng tên cũng cần có xác minh, cần đánh giá để nhận diện vấn đề cho rõ hơn mới có cách xử lý hợp lý”- ĐB Đặng Thuần Phong nêu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để giám sát chặt vấn đề này, ngoài kê khai tài sản của bản thân quan chức, cũng cần phải kê khai tài sản của người thân ở trong gia đình để nhìn nhận nguồn gốc tài sản từ đâu mà ra. Lúc đó sẽ khách quan, đánh giá được cán bộ có trung thực hay không.
ĐB Đặng Thuần Phong cũng cho biết thêm, hiện cơ chế kiểm soát tài sản của cán bộ công chức đang tắc. “Kê khai là cơ sở để cho anh xác minh anh đánh giá, có trung thực hay không thể hiện trong kê khai đó. Còn xác minh quan trọng lắm. Xác minh không phải chỉ có cơ quan chức năng xác minh đâu mà mình cũng lắng nghe từ quần chúng, vai trò phản biện từ các tổ chức xã hội họ cung cấp cho mình rất nhiều thông tin.
Nói gì thì nói, cư dân sống ở đó người ta biết rất rõ. Mình phải tận dụng phản biện xã hội, trên cơ sở đó khi có vấn đề mình sẽ tiến hành xác minh. Việc xác minh giúp làm trong sạch nội bộ nếu cán bộ mình làm giàu thực sự được thì nhân điển hình. Còn cái nào không đúng chúng ta mới có cơ chế xử lý, chứ còn kê khai rồi bỏ đó có tác dụng gì”- ĐB Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Infonet về việc Bí thư tỉnh Yên Bái quyết định thanh tra kiểm tra việc xây dựng “biệt phủ” đứng tên vợ em trai có khách quan hay không? ĐB Đặng Thuần Phong cho rằng: Đương nhiên, tính khách quan của cuộc thanh tra này sẽ bị dư luận nghi ngờ. Cái này nên để thanh tra Trung ương vào cuộc thì nhìn nhận vấn đề khách quan hơn và nếu họ trong sạch thực sự thì cũng minh chứng cho người ta rõ ràng, còn trong trường hợp có vấn đề sẽ xử lý theo thẩm quyền.
“Còn thanh tra tại chỗ đương nhiên sẽ không tránh khỏi sự nể nang và từng địa phương người ta cũng không muốn “vạch áo cho người xem lưng” của địa phương mình. Như vậy TƯ nên vào cuộc mới khách quan hơn”- ĐB Đặng Thuần Phong nêu.
Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua rất nhiều vụ việc quan chức có tài sản khủng được dư luận, báo chí nêu ra tuy nhiên sau đó kết luận thanh tra thường không có vấn đề gì, hoặc không được nhắc đến. Phân tích thực trạng này, ĐB Đặng Thuần Phong cho rằng: “Cái chính là nhiều vụ việc kết luận không rõ ràng, úp mở, hoặc không có kết luận gì để “chìm xuồng” nên càng gây bức xúc trong xã hội.
Lúc đó, người dân không an tâm và họ sẽ đặt câu hỏi nghi ngờ về tính khách quan hay không khi mà ở địa phương này các vị trí là cán bộ ở địa phương lại do chính những người ở nơi này kiểm tra. Theo tôi là phải gỡ những nghi ngờ về vấn đề này bằng việc TƯ nên can thiệp để kiểm tra làm rõ trắng đen”- ĐB Đặng Thuần Phong nêu.