Tái hiện lễ bỏ mả độc đáo của người dân tộc Raglai
Người Raglai có cuộc sống mang tính cộng đồng, nên trong nghi lễ bỏ mả phải tập trung đầy đủ những người trong làng cùng tham dự để cùng chia tay người đã khuất và cùng nhau thực hiện các nghi lễ một cách đầy đủ, trang trọng. Lễ bỏ mả thường được tổ chức sau một năm hoặc hai năm khi người thân qua đời. Theo quan niệm của đồng bào, nếu không làm lễ bỏ mả, thì quan hệ giữa người sống và người chết vẫn tồn tại, bởi vậy cần phải làm nghi lễ bỏ mả để tiễn biệt, đồng thời thể hiện tình cảm với người đã khuất.
Ông Mấu Quốc Tiến, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian người Raglai, cho biết: “Tập tục xa xưa của người Raglai, hàng năm có các lễ hội, nhưng nổi bật nhất vẫn là nghi lễ bỏ mả. Trong đời sống của người Raglai bất cứ người nào qua đời, thì những người còn sống phải có trách nhiệm lo hậu sự và người chết sẽ được làm lễ bỏ mả. Lễ bỏ mả được tổ chức với mục đích như một nghi lễ mãn tang, thể hiện tình cảm của người còn sống đối với người đã khuất”.
Lễ bỏ mả có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của tộc người Raglai. Trong các nghi lễ bỏ mả tập trung nhiều loại hình nghệ thuật như: Kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc, múa, trình diễn...với mục đích tiễn đưa người chết về “thế giới bên kia”. Đồng thời “giải thoát” hoàn toàn mọi sự ràng buộc của người sống đối với người chết. Với những giá trị nổi bật đó, năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Dưới đây là những hình ảnh tái hiện lại lễ bỏ mả độc đáo của người dân tộc Raglai tại Làng văn hóa các Dân tộc Việt Nam:
Theo đúng nghi lễ, trong lễ Bỏ mả phải luôn có 3 thầy cúng, biểu thị cho ba phần của cơ thể: đầu, mình, chân. Thầy cúng chính luôn đứng ở chính giữa hai người khác gọi là vị Yanuh jalat (người chỉ đường, chỉ thức ăn, đồ uống… cho ma). |
Một lễ bỏ mả phải ka-go (mô hình thuyền), lễ vật là 3 ché rượu cần, đầu lợn, một con bò hoặc con trâu, gà, vịt và những thổ sản để cúng trong 3 ngày. |
Thầy cúng cùng đoàn người thân trong gia đình đến nhà mồ khóc tế, múa Mã la (cồng chiêng) để rước hồn người chết về nhà ăn cơm. |
Cây “gậy thần” (gai toah ) được làm từ ngày có người chết, lại đem ra sử dụng trong ngày cúng thứ 2. |
Lễ này được xem là quan trọng nhất, tất cả mọi người đều phải tham gia đông đủ để gặp gỡ và chia tay người chết lần cuối cùng. Mọi người cùng ăn uống, nhảy múa, ca hát bên đống lửa và ché rượu cần cho đến sáng hôm sau. |
Ka-go (mô hình thuyền) đặt trên sạp để cúng với những lễ vật trong ngày đầu : cơm, hạt nổ, bánh trái, gà, trầu cau, rượu… |
Trong lễ bỏ mả, không bao giờ được thiếu đội múa nhạc cụ Mã La (một nhạc cụ giống như chiêng). Trong suốt lễ bỏ mả, người nhà gia đình có người chết mời đội đánh Mã La uống những bát rượu ngon nhất, ngọt nhất để tỏ lòng cảm ơn. |
Ngày thứ ba được xem là ngày chia tay vĩnh viễn người chết. Mọi người khiêng lễ vật ra nhà mồ, bày lễ vật ra xung quanh. |
Mọi người đứng xung quanh nhà mồ khấn vái để chia tay linh hồn người chết, đội thầy cùng cùng đoàn khiêng Ka-go đi một vòng quanh nhà mồ của người chết. |
Cuối cùng, Ka-go được đặt trên nóc nhà mồ. Đây là nghi lễ tiễn Ka-go nhằm chia của cải cho người chết. |
Giỏ mả để chia của cải cho người chết được giước ra nhà mồ lần cuối.Khấn báo xong, vị Yanuh Jalat cầm gai toah đưa ra sau lưng, xoay một vòng rồi bẻ gãy gai toah làm đôi với ý nghĩa âm-dương hai đường cách biệt. Gai toah đã gãy đôi được cắm vào giỏ mả, hai thanh niên nhanh chóng khiêng giỏ mả chạy về phía nhà mồ. |
Sau đó, đoàn người Raglai sẽ bộ hành đến khu vực tháp Chăm để báo với thần linh người Chăm đã đưa người chết về và tổ chức xong lễ bỏ mả. Hành động này liên quan đến câu chuyện từ xưa người Chăm và người Raglai đã là 2 dân tộc anh em. Khi người Chăm ra trận thì người Raglai sẽ giữ quần áo, tài sản cho người Chăm. |