Tái cấu trúc ngân hàng: "Đánh chuột nhưng không được đổ bình"
Tái cấu trúc ngân hàng: "Đánh chuột nhưng không được đổ bình"
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa Vũng Tàu) đặt câu hỏi thẳng với Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hiện có bao nhiêu % ngân hàng (NH) hoạt động yếu kém? Tái cơ cấu NH hướng nào để bảo đảm hệ thống NH không bị đổ vỡ? ĐB Trịnh Thắm (Lâm Đồng) thì đề nghị thống đốc Bình cho biết cụ thể giải pháp đột phá để tái cấu trúc NH, cần thời gian bao lâu để xử lý số NH yếu?.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì đặt vấn đề, Thống đốc cam kết giảm lãi suất cho vay nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay với mức cao. Trong khi đó, điều hành 4 tháng qua cho thấy nhiều chính sách của NHNN đang tạo điều kiện cho nhóm lợi ích của NH lớn, khổ cho NH nhỏ. "NH Nhà nước điều hành và giải thích vấn đề này thế nào"- ĐB Vinh hỏi.
Trả lời câu hỏi về tái cơ cấu NH, trước tiên Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, phải hiểu đúng về hệ thống NH hiện nay. "Nhu cầu tái cấu trúc NH xuất phát từ nội tại nền kinh tế chứ không hẳn do một bộ phận NH yếu kém quá"- thống đốc Bình nói và dẫn chứng, so với thế giới hệ thống NH Việt Nam thời gian qua vẫn đứng vững trước khủng hoảng. Đến giờ phút này dù còn nhiều yếu kém nhưng cổ phiếu các NH nội vẫn đang "hút" các nhà đầu tư ngoại.
Nói về con số NH hiện nay, ông Bình cho biết, toàn hệ thống hiện có 37 NH cổ phần, trong đó có 8 NH cổ phần lành mạnh làm trụ cột, 8 NH hoạt động trung bình, 8 NH quy mô nhỏ hoạt động lạnh mạnh và 8 NH nhỏ hoạt động chưa lành mạnh. Tính tỷ trọng NH hoạt động yếu kém thì chỉ chiếm không quá 5%.
"Có ý kiến cho rằng Việt Nam đang nhiều NH quá, đúng là thế, nhưng thừa ở đây là thừa NH quy mô nhỏ, NH có tình hình tài chính không lành mạnh, dịch vụ tài chính NH. Có đại biểu ví tái cấu trúc NH giống như phun thuốc trừ sâu, cho lúa, lúa xanh tốt sâu bệnh dập được. Nhưng tôi cho rằng, tái cấu trúc NH như "đánh chuột nhưng không được đổ bình", nghĩa là phải giữ được mục tiêu, xử lý được tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo không đổ vỡ ngoài vòng kiểm soát..."- ông Bình ví von.
Liên quan tới đề án tái cấu trúc, thống đốc Bình tiết lộ, hiện NH Nhà nước đã hoàn thành đề án này nhưng Chính phủ đang xem xét và sẽ phê duyệt vào cuối tháng 11. Một số điểm trọng tâm đề án sẽ hướng tới: đảm bảo luân chuyển dòng vốn, dịch vụ NH; tạo ra hệ thống NH đa dạng quy mô, loại hình hoạt động, sở hữu.
5 năm tới Việt Nam sẽ có 2 tổ chức NH đủ sức cạnh tranh với NH trong khu vực; 10-15 NH đủ lớn làm trụ cột cho hệ thống NH Việt Nam. Có thể chấp nhận NH có quy mô vừa nhỏ nhưng hoạt động lành mạnh trong thị trường nhất định.
Bởi theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cứ 1.000 người dân thì cần có một điểm giao dịch ngân hàng. Nếu chiểu theo tiêu chuẩn này, thì với dân số Việt Nam hiện nay 87 triệu người, vẫn có quá ít điểm giao dịch ngân hàng để phục vụ nhu cầu tài chính.
Sáng mai, 25/11 Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH xoay quanh vấn đề: chính sách quản lý thị trường vàng đang làm lợi cho nhóm lợi ích, làm nảy sinh tình trạng vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, vấn đề trần lãi suất 14%/năm đang làm lợi cho nhóm NH lớn...
Thu Hoài