"Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến"
Làm bạn với tất cả các nước
Ngay từ những ngày đầu lập quốc (2/9/1945), Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng công tác đối ngoại, mở cửa ra thế giới. Người đã đích thân tiến hành những bước đầu tiên của công tác ngoại giao, khởi đầu tiến trình hội nhập quốc tế. Nghiên cứu về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: Ngay trong sáng 2/9/1945, khi bản Tuyên ngôn Độc lập được đọc trước quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi thông điệp trực diện tới các đỉnh quyền lực mạnh nhất toàn cầu khi đó, cụ thể là các nước Đồng minh. Trong cuốn Hồ Chí Minh toàn tập (tập 4, xuất bản năm 2011) cũng ghi lại chi tiết các hoạt động ngoại giao đa phương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đầu khó khăn này.
Cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, đại diện của Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh…, một mặt thông báo sự ra đời của một quốc gia độc lập - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một mặt “yêu cầu công nhận nền độc lập của Việt Nam và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên hợp quốc”. Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ Truman 8 bức thư, cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ 3 bức, cho lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch 4 bức, cho Nguyên soái Stalin 3 bức, và Liên hợp quốc 3 bức.
Ngày 3/10/1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ cũng công bố chính sách ngoại giao, trong đó quan tâm đặc biệt tới vấn đề quan hệ quốc tế: Đối với các nước lớn thì “hết sức thân thiện, thành thật hợp tác trên lập trường bình đẳng và tương ái để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài”; đối với nước Pháp thì “mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”; với láng giềng thì “hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng tiến hóa”...
“Có thể nói, đường lối ngoại giao độc lập tự chủ, hội nhập với quốc tế và muốn làm bạn với tất cả các nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ngay từ năm 1945”, ông Dương Trung Quốc nhận định.
Không lệ thuộc bất cứ nước nào
Ngày 5/6/1964, trong một bài trả lời phỏng vấn của Viện Nghe nhìn quốc gia Pháp (INA - French for National Audiovisual Institute), trước câu hỏi khá “móc máy” của phóng viên: “Hiện có một vài tư tưởng cho rằng, miền Bắc Việt Nam đang trong hoàn cảnh khá cô lập và trên quan điểm chính trị, khó có thể tránh khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc (thành vệ tinh của Trung Quốc)”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngần ngại trả lời rằng: “JAMAIS - KHÔNG BAO GIỜ”... Câu nói ấy của Người đã toát lên bản lĩnh ngoại giao Hồ Chí Minh, đây cũng chính là kim chỉ nam soi sáng trên bước đường hội nhập của đất nước về sau này.
Đường lối ngoại giao độc lập tự chủ, hội nhập với quốc tế và muốn làm bạn với tất cả các nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ngay từ năm 1945. |
Nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích: Thần thái của một lãnh tụ là thứ không ai có thể bắt chước hoặc, có thể học được. Cái cách Hồ Chủ tịch trả lời phỏng vấn cô phóng viên người Pháp bằng tiếng Pháp vừa dí dỏm hài hước, vừa thông minh sắc sảo... nhưng cũng rất cương quyết trước những câu hỏi có phần hóc búa và mỉa mai về dân tộc Việt Nam, khiến chúng ta vô cùng khâm phục bản lĩnh và trí tuệ của Người. Sự khôn khéo, mềm dẻo nhưng cương quyết cũng chính là điều Hồ Chủ tịch muốn nhắn gửi tới tất cả những cán bộ ngoại giao sau này.
“Xét lại bối cảnh khi ấy, câu trả lời đanh thép của Hồ Chủ tịch như một thông điệp gửi tới quốc tế, chúng tôi không bao giờ và sẽ mãi mãi không bao giờ phải lệ thuộc vào Trung Quốc hay bất cứ một quốc gia nào”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Tư tưởng hội nhập trong thời kì mới
Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị (khóa VI) tháng 5/1988 đã khởi đầu cho quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng, với tư duy chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ trạng thái đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong bối cảnh cùng tồn tại hòa bình. Tháng 6/1992, Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII đề ra chủ trương mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đánh dấu sự hình thành đường lối đối ngoại của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới.
Theo đó, nền ngoại giao của Việt Nam tiến tới hội nhập sâu rộng cùng thế giới qua các giai đoạn: Phá thế bao vây, cô lập (1986-1996); Mở rộng quan hệ hợp tác và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế (1996-2006); Đưa các mối quan hệ quốc tế vào chiều sâu và hội nhập quốc tế toàn diện (từ năm 2006 đến nay).
Tính đến năm 2015, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185/193 nước thành viên Liên hợp quốc; quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước; đối tác toàn diện với 11 nước; quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh). Việt Nam cũng có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế.