Sửa Luật Đất đai 2003: Cần nâng hạn mức và thời hạn sử dụng
Sửa Luật Đất đai 2003: Cần nâng hạn mức và thời hạn sử dụng
Luật đất đai 2003 là đạo luật thứ ba về đất đai của nước ta sau Luật đất đai 1987 và 1993. Ngoài ra, từ 1993 đến 2003, Luật Đất đai còn có hai lần sửa đổi vào các năm 1998 và 2001. Hoàn thiện cơ sở pháp luật đất đai là nhiệm vụ của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiệm vụ này chưa theo kịp thực tiễn, đặc biệt là trong thời kỳ CNH, HĐH. Đây cũng là 1 trong 4 vấn đề lớn được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa qua.
PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng bộ môn Luật đất đai – Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội về một số nội dung xung quanh vấn đề này.
Xin PGS cho biết, nội dung quan trọng nhất cần được làm rõ trong lần sửa đổi, bổ sung luật đất đai lần này?
Theo tôi, nội dung quan trọng nhất cần được làm rõ trong lần sửa đổi, bổ sung luật đất đai lần này là quy định về hình thức sở hữu đối với đất đai.
Điều 19 Hiến pháp 1980 đã quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Tuy nhiên, Luật đất đai năm 1987, 1993; Hiến pháp 1992; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật đất đai năm 1998, 2001 chưa làm rõ nội hàm “sở hữu toàn dân”. Phải đến Luật đất đai 2003, “sở hữu toàn dân” mới được làm rõ một bước khi quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai là: Quốc hội, Chính phủ, HĐND và UBND các cấp (Điều 7).
Quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai và quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương được phân cấp cho UBND các cấp nhưng đây lại chính là điểm bất cập vì giao cho quá nhiều cấp mà không có cơ chế quản lý, giám sát. Người thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai do lợi ích nhóm có thể có những hành vi sai trái.
Do vậy, cơ chế quản lý, giám sát về đất đai cần phải được quy định rõ sao cho thật cụ thể, đồng bộ, rõ ràng.
PGS đánh giá thế nào đối với quy định về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hiện nay?
Đất nông nghiệp hiện giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 64/NĐ-CP, ngày 27/9/1993, sử dụng ổn định lâu dài vào sản xuất nông nghiệp với thời hạn 20 năm. Những hộ gia đình, cá nhân được giao từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 trở về trước, được tính thống nhất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993; nếu được giao sau ngày 15 tháng 10 năm 1993, thì tính từ ngày giao. Câu hỏi đặt ra là khi hết hạn Nhà nước có thu hồi đất không hay tiếp tục giao đất? Mâu thuẫn hiện nay chính ở việc tiếp tục giao đất.
Quy định kỳ quy hoạch sử dụng đất của xã, phường, thị trấn là 10 năm, có nghĩa là 1 lần giao đất tương ứng với 2 kỳ quy hoạch.
Những điều này dẫn đến việc người nông dân không thể yên tâm đầu tư sản xuất trên mảnh đất trong cả thời gian được giao.
Vì vậy, cần quy định 1 mức thời gian cho mọi loại đất nông nghiệp (50 năm) để tạo ra tính ổn định lâu dài từ đó người nông dân yên tâm đầu tư công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Thực tế cho thấy, người dân không yên tâm đầu tư vào sản xuất trên mảnh đất được giao vì sợ bị thu hồi hoặc bị chuyển nhượng cho người khác khi hết thời hạn giao đất.
Khiếu kiện, tố cáo về đất đai hiện chiếm tỷ lệ rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực bồi thường GPMB. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa PGS?
Điều 40 Luật đất đai 2003 quy định về “Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế” đã sử dụng cơ chế hành chính để thu hồi. Cụ thể, Nhà nước thu hồi và bồi thường theo khung giá được UBND cấp tỉnh tại thời điểm thu hồi đối với các dự án trọng điểm phát triển kinh tế cấp quốc gia;
Các dự án khác, đem lại lợi ích cho chủ đầu tư thì thỏa thuận dân sự thông qua hình thức góp vốn, chuyển nhượng với giá thỏa thuận.
Điều này dẫn đến tình trạng 2 mảnh đất cạnh nhau nhưng bồi thường theo 2 cơ chế khác nhau khiến người dân không đồng thuận, nảy sinh khiếu kiện, ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi đất.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến |
Quy định doanh nghiệp tự thỏa thuận với người có đất cũng làm nảy sinh tình trạng người dân “bắt chẹt” doanh nghiệp, không thỏa thuận được dẫn đến bế tắc, dự án phát triển theo kiểu “xôi đỗ” (GPMB đến đâu thi công đến đó).
Ngược lại, nếu chủ đầu tư thỏa thuận được, chênh lệch về địa tô sẽ rơi vào túi doanh nghiệp; ngân sách thất thu một khoản lớn.
Do vậy, khi sửa đổi, nên áp dụng một cơ chế, cơ chế hành chính, cho việc thu hồi đất. Cụ thể, Nhà nước xây dựng quy hoạch và thu hồi đất trên quy mô lớn sau đó cho thuê, đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất. Từ đó mới hy vọng tạo ra những khu đô thị, khu công nghiệp đồng bộ; khắc phục tình trạng “không giống ai” về “bộ mặt” tại những khu đô thị mới hiện nay.
Giá bồi thường cũng là nội dung cần xem xét, sửa đổi. Điều 39 Luật đất đai 2003 quy định, giá bồi thường là giá tại thời điểm ra quyết định thu hồi đất nhưng tại thời điểm này người có đất bị thu hồi không nhận được tiền, nhiều khi phải mất 2, 3 năm họ mới nhận được tiền. Do đó, cần quy định giá bồi thường là giá tại thời điểm người có đất bị thu hồi nhận tiền khi sửa đổi Luật Đất đai.
Quy định giá đất được điều chỉnh hàng năm (Điều 56), ngày 01/01, gây khó khăn cho chủ đầu tư bởi một dự án không thể thực hiện trong một năm; trong khi tổng mức đầu tư lại lấy đơn giá tại thời điểm lập dự án và sau 2, 3 năm dự án mới được phê duyệt. Điều này nên sửa là: Khung giá áp dụng ổn định trong vòng 5 năm.
Căn cứ để đưa ra khung giá cũng không nên giao cho UBND cấp tỉnh do có sự bất cập: UBND tỉnh vừa ra quyết định thu hồi, vừa đưa ra khung giá. Mặt khác, UBND cấp tỉnh là cơ quan quản lý chứ không phải cơ quan chuyên môn.
Đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người có đất bị thu hồi là một chính sách tốt của Đảng và Nhà nước nhưng còn nhiều bất cập. Theo PGS, vấn đề này nên quy định như thế nào để phát huy giá trị của chính sách này?
Thực trạng cho thấy, việc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người có đất bị thu hồi trong thời gian qua là không phù hợp. Nhiều người có đất đã hoặc sắp hết tuổi lao động; hoặc do nhận thức nên tuy còn tuổi lao động nhưng không phải ai cũng học nghề được; rồi nhiều yếu tố khác phát sinh như: nghề được đào tạo không phù hợp với địa phương, vay vốn, tiêu thụ sản phẩm…
Vì vậy, nên có quỹ hỗ trợ thất nghiệp cho người nông dân bị mất đất từ nguồn vốn ngân sách và sự đóng góp của các doanh nghiệp lấy đất của nông dân.
Ngoài ra, cũng cần cân nhắc việc có nên bồi thường cho người có đất bị thu hồi “một cục” không; bởi hiện nay, hầu hết số tiền đền bù “một cục” này được sử dụng vào tiêu dùng và thay vào đó, chỉ trả cho người có đất 50% số tiền tương ứng với diện tích bị thu hồi, 50% số tiền còn lại trả vào tài khoản với cam kết hàng tháng lấy lãi phục vụ sinh hoạt?
Hạn mức đất nông – lâm (hạn điền) cũng là nội dung được “tranh cãi” nhiều trong thời gian qua. PGS nhận xét gì về quy định này?
Quy định về hạn điền hiện nay dường như có tác dụng ở miền Bắc và miền Trung; còn ở đồng bằng sông Cửu Long, quy định này không có tác dụng bởi quy định hạn mức đất nông – lâm không quá 3 ha dường như không có ý nghĩa.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, vẫn quy định hạn mức giao, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất nhưng nâng hạn mức lên. Điều này góp phần quan trọng trong việc tạo ra nền sản xuất hàng hóa trong nông - lâm nghiệp.
Hiện nay, người dân khiếu kiện vượt cấp hoặc tiếp tục khiếu kiện khi đã có quyết định giải quyết cuối cùng chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong tổng số các vụ khiếu kiện về đất đai. Phải chăng, quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai còn có điểm chưa phù hợp, thưa PGS?
Hiện nay, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo do các cơ quan ở địa phương giải quyết, các cơ quan Trung ương chỉ giải quyết khi địa phương sai.
Quy định 2 cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo như hiện nay là khiên cưỡng, áp đặt ý chí bởi có thể dẫn đến tình trạng 2 cấp cấu kết với nhau, đặc biệt là ở cấp tỉnh và huyện. Nó dường như chỉ phục vụ lợi ích của cơ quan quản lý. Cho nên, cần quy định thêm quyền khởi kiện ra tòa hành chính sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND tỉnh của người khiếu nại, tố cáo.
Mọi tranh chấp do tòa án giải quyết, do vậy việc thành lập Tòa đất đai như các tòa: Lao động, kinh tế, … hoặc Cơ quan tài phán hành chính là cần thiết.
Xin cảm ơn PGS!
Kiên trung