Sửa đổi, bổ sung BLHS 2015: Bỏ dấu hiệu "bỏ trốn" thì rất khó xử lý tội phạm
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13. |
Sửa đổi, bổ sung 141 điều của Bộ luật Hình sự 2015
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần Các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều.
Trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với quan điểm của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội khóa XIII thông qua; bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, trong một chừng mực nhất định, đề nghị Quốc hội cho phép có một vài quy định chưa thể cụ thể hóa hết được mà vẫn phải có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ hoặc nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và án lệ của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh việc sửa đổi phải trên cơ sở rà soát, phát hiện hết các sai sót trong BLHS năm 2015.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra |
Đặc biệt, về nội dung lấy lại dấu hiệu “bỏ trốn” trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo bà Lê Thị Nga, đa số ý kiến Ủy Ban Tư pháp tán thành với việc lấy lại dấu hiệu “bỏ trốn” quy định tại Điều 140 của BLHS năm 1999 vào cấu thành cơ bản của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cho rằng, do BLHS năm 2015 bỏ yếu tố “bỏ trốn” trong cấu thành tội phạm dẫn đến hiện nay rất khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này, không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga cũng cho biết, có ý kiến cho rằng BLHS năm 2015 đã bổ sung dấu hiệu “đến hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” là đã đầy đủ. Việc quy định dấu hiệu “bỏ trốn” trong cấu thành cơ bản của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sẽ rất khó chứng minh do các quy định về quyền tự do đi lại theo Luật cư trú. Mặt khác, đây là chính sách hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, việc bổ sung này sẽ làm mở rộng đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự là không phù hợp với quy định của Nghị quyết số 144/2016/NQ-QH13. Do đó, đề nghị không quy định dấu hiệu “bỏ trốn” vào cấu thành cơ bản của Điều 175 BLHS năm 2015.
Có cần lấy lại dấu hiệu "bỏ trốn" vào luật hay không?
Thảo luận tại tổ (gồm các đoàn ĐBQH Thái Bình, Bình Định và Cần Thơ) về nội dung này, thiếu tướng Lê Đình Nhường, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình cho rằng, hành vi “bỏ trốn” là nhận thức, nếu bỏ thì rất khó xử lý mặc dù anh ôm cục tiền, triệu tập không đến cơ quan, lấy lý do quyền tự do đi lại. Do đó, thiếu tướng Lê Đình Nhường đề nghị “dấu hiệu bỏ trốn phải lấy lại đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 này nhằm đảm bảo đấu tranh phòng chống tội phạm”.
Đại biểu Lê Kim Toàn (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, qua nghiên cứu nội dung tờ trình, báo cáo thẩm tra thấy khối lượng sửa đổi, bổ sung luật nhiều với hơn 100 điều, sửa do lỗi kỹ thuật rất ít. Qua đây cho thấy, có thể chậm lên 1 kỳ nếu không ảnh hưởng đến các luật khác mà Quốc hội đã ban hành thì kỳ này cho ý kiến nói chung, kỳ sau xem xét thông qua. Trong thời gian đó, các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát các nội dung một cách tối đa làm sao thống nhất rõ ràng về quan điểm thì điều chỉnh chính xác, có khả thi, tránh tình trạng sửa rồi lại sửa tiếp.
Về nội dung dấu hiệu “bỏ trốn”, ông Lê Kim Toàn cho biết: “Tôi thống nhất lấy lại hành vi bỏ trốn trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vào BLHS năm 2015 nhưng xem nó là tình tiết tăng nặng chứ không coi là tình tiết cấu thành tội phạm”.
Trong khi đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho rằng, trong Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định hành vi "bỏ trốn" hoặc "bỏ trốn rồi cố tình không trả" là 2 dấu hiệu rất đặc trưng của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Lần này có đưa ra thêm một ý nữa là dù là không bỏ trốn nhưng đến thời hạn trả mà đối tượng không trả thì vẫn truy tố. Đại biểu Bùi Văn Xuyền đồng ý với quy định này bởi trong tình trạng hiện nay có đối tượng cứ ở nhà, trơ trơ ra gây bức xúc trong dư luận, nhân dân. Hoặc có tình trạng đối tượng đi nơi khác, cơ quan điều tra triệu tập không về, mà khi đối tượng không về thì không thể khởi tố được.