Sửa Điều 60 khiến việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH gặp khó khăn
Sáng 21/5, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về một số điểm trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 liên quan đến hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần (Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội).
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, nội dung của Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng, nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
“Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thể hiện đúng định hướng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội”- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền |
Ngoài ra, khi thực hiện bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động sẽ có nhiều lợi ích hơn như: Khi người lao động trở lại làm việc thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu.
Trường hợp không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu với nhiều quy định mới tạo thuận lợi cho người lao động.
Khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì với quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp người lao động vẫn được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới…
“Theo tính toán trong tất cả các trường hợp người lao động tích lũy thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ khi về già đều có lợi hơn rất nhiều so với việc lĩnh một lần”- bà Chuyền khẳng định.
Tuy nhiên, khi Luật chưa có hiệu lực thì một bộ phận lao động, chủ yếu ở các tỉnh thành phía Nam kiến nghị, nên quy định theo hướng giải quyết linh hoạt, người lao động được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, để tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu khi về già.
"Vì thế Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi điều luật này" - bà Chuyền nói.
Trước mắt, sẽ sửa đổi Điều 60 theo hướng cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
Tuy nhiên, bà Chuyền cho rằng, việc sửa đổi Điều 60 như trên sẽ tác động đến số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bổ sung nhiều quy định nhằm tạo điều kiện hơn cho người lao động có thể được đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hàng tháng. Do vậy, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần dự báo sẽ giảm so với thời gian qua.
Đồng thời, nếu cho phép người lao động được lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động do cuộc sống trước mắt còn khó khăn sẽ lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, khi hết tuổi lao động sẽ khó có điều kiện để được hưởng lương hưu hàng tháng, không bảo đảm ổn định cuộc sống khi về già, không bảo đảm an sinh xã hội và ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối với những người không có lương hưu phải tăng thêm.
Về phía cơ quan quản lý sẽ gặp khó khăn hơn trong việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, trong việc đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.