Sự ra đời Hội đồng Bầu cử Quốc gia là cần thiết?
Nhằm góp phần thể hiện tính khách quan trong chỉ đạo tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã bổ sung thiết chế Hội đồng Bầu cử Quốc gia (Điều 121). Đây sẽ là một trong ba thiết chế mới của Hiến pháp mới. Theo đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia do Quốc hội thành lập; tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử HĐND các cấp.
Theo Giáo sư – Tiến sĩ Thái Vĩnh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Hành chính – Nhà nước Trường Đại học Luật Hà Nội: Sự ra đời của Hội đồng Bầu cử Quốc gia là cần thiết và phù hợp với nhu cầu hiện nay. Để đảm bảo tính khách quan trong chỉ đạo tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia phải là thiết chế độc lập; tức là, đã là thành viên của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, người đó không được giữ chức vụ khác trong Bộ máy nhà nước.
“Ở một số nước Đông Nam Á, thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia chủ yếu được lấy từ Liên đoàn Luật sư, đại diện của các tổ chức xã hội, những người có uy tín, có năng lực, đã về hưu như: Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án Tối cao, … Nhiều nước coi Hội đồng Bầu cử Quốc gia là cơ quan quan trọng trong Bộ máy nhà nước, đảm bảo cho các cuộc bầu cử đúng Hiến pháp và pháp luật. Ngoài vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia còn nghiên cứu về chế độ bầu cử, chính sách bầu cử, duy trì mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu trúng cử. Khi cử tri có ý kiến về đại biểu nào đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ xác minh và có quyền bãi miễn nếu đại biểu đó không xứng đáng.”.
Giáo sư - Tiến sĩ Thái Vĩnh Thắng |
Cũng theo Giáo sư – Tiến sĩ Thái Vĩnh Thắng, với chế định độc lập, Hội đồng Bầu cử Quốc gia là cơ quan quyết định tối cao trong việc chống gian lận bầu cử, dễ dàng và khách quan trong việc xem xét lại kết quả bầu cử. Để đảm bảo “chất lượng” của đại biểu, khi ứng cử các ứng cử viên phải có “chương trình vận động bầu cử” là nếu trúng cử sẽ làm gì. Hội đồng Bầu cử Quốc gia và cử tri sẽ thực hiện việc giám sát đại biểu trúng cử trên cơ sở “chương trình vận động bầu cử” của đại biểu đó, từ đó khắc phục được tình trạng đại biểu trúng cử nhưng “không biết làm gì”.
Hiện nay, sự lựa chọn của người dân chưa cao khi thực hiện quyền bầu cử, mặc dù Mặt trận Tổ quốc có hiệp thương nhưng Mặt trận không giám sát bằng người dân được. Ví dụ, một đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu nhưng chỉ đưa ra 5 ứng cử viên, tức là người dân chỉ được quyền chọn 40%; còn nếu đưa ra 4 ứng cử viên để lấy 3 đại biểu thì người dân chỉ được chọn 25%.
Để người dân thực sự lựa chọn, cần phải tăng tỷ lệ ứng cử viên/đại biểu được bầu. Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, Hà Nội có hơn 60 ứng cử viên nhưng chỉ bầu có 6 đại biểu nên các đại biểu thực sự là “tinh túy”, chất lượng.
“Với sự ra đời của Hội đồng Bầu cử Quốc gia cùng sự thay đổi của Luật Bầu cử, chất lượng đại biểu sẽ nâng lên, tình trạng đại biểu không đạt tiêu chuẩn sẽ được cải thiện.”, Giáo sư – Tiến sĩ Thái Vĩnh Thắng đánh giá.