Sử dụng "quyền im lặng", bị cáo sẽ phải bỏ quyền khác
Ngay khi dự thảo Bộ luật tố tụng Hình sự (sửa đổi) được trình Quốc hội, giới luật gia rất hoan nghênh trước những thay đổi khá rõ rệt. Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra UB Tư pháp Quốc hội lại không đồng tình với nhiều nội dung của Tờ trình dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự, chẳng hạn như “bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình lấy lời khai bị can”, “cho phép bị can bị cáo được tiếp cận hồ sơ vụ án”. Ngoài ra, có nhiều ý kiến lo lắng về việc “quyền im lặng” được ghi nhận tại Dự thảo có thể hiểu nhầm và gây cản trở công tác phá án.
Ngay sau khi nghe ý kiến của UB Tư pháp Quốc hội, PV đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về vấn đề này.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời báo chí |
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Bộ luật Tố tụng hình sự là bộ luật tạo ra hành lang pháp lý trong việc phòng chống tội phạm, việc đó tạo dân chủ cho số đông. Theo nguyên tắc mọi hành vi tội phạm đều phải được phát hiện, xử lý công bằng nghiêm minh trước pháp luật. Đó là tính dân chủ cao nhất của luật pháp.
ĐBQH Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, những người bị bắt, bị giam giữ bị can, bị cáo, người bị buộc tội cũng là con người. Đây là số người yếu thế, và cũng phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Đây cũng là một trong nội dung được Hiến pháp quy định. Cho nên, bổn phận của các đạo luật sau tuân thủ những quy định của đạo luật gốc. Trong đó, lần này đã ghi nhận Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Ông Nguyễn Hòa Bình giải thích, dự thảo luật đã thể hiện như thế nào, có thể nói có mấy việc như sau:
Thứ nhất, đảm bảo tranh tụng, đề ra rất nhiều những yêu cầu, chế định, cơ chế để đảm bảo quyền được bào chữa, đảm bảo cho luật sư tham gia quá trình tố tụng sớm hơn, thuận lợi hơn và đảm bảo tranh tụng. Trao cho luật sư và bị can bị cáo có quyền thu thập chứng cứ.
Nội dung thứ 2, cho phép bị can bị cáo một số quyền, ví dụ như quyền tiếp cận hồ sơ, đọc và ghi chép tài liệu.
Dự thảo luật lần này cũng thể hiện rõ nguyên tắc suy đoán vô tội, công dân được chỉ được coi là có tội khi đã có bản án có hiệu lực. Ngoài ra, có biện pháp tố tụng, hạn chế quyền con người. Chỉ trao quyền này cho cấp có thẩm quyền. Thủ trưởng cơ quan điều tra, dù theo xu hướng rõ ràng hơn, phân cấp mạnh hơn cho các chức danh tư pháp. Riêng quyền quyết định tố tụng ảnh hưởng đến quyền con người, một nội dung nữa khá tiến bộ, chúng ta đã có những quy định rút ngắn lại thời hạn tố tụng, tránh kéo dài tình trạng căng thẳng của bị can, bị cáo. Thời hạn tạm giam tạm giữ, rút ngắn yêu cầu có trách nhiệm hơn.
Nói về những tranh luận xung quanh việc thể hiện "quyền im lặng" trong luật, ĐBQH Nguyễn Hòa Bình chia sẻ: “Cũng từng có đối thoại chính sách khá nhiều về vấn đề này, theo ngôn ngữ thông dụng người ta gọi đó là quyền im lặng. Chúng ta phải hiểu cho đúng nội hàm của quyền này. Quyền này, không phải của chúng ta mà Công ước của liên hiệp quốc. Quyền chính trị dân sự đã ghi nhận quyền này. Bị can bị cáo không buộc phải nhận tội, đưa ra chứng cứ chống lại mình”.
Như vậy, khi bị can bị cáo nói về tội phạm của mình, trong trường hợp này, các cơ quan tiến hành tố tụng không được phép coi đây là tình tiết tăng nặng, chống lại trong quá trình điều tra làm xấu đi tình trạng của bị can bị cáo.
Ông cũng nhấn mạnh: “Điều này không có nghĩa là bị can bị cáo không phải khai báo gì trước cơ quan điều tra, các cơ quan tố tụng. Anh ta được im lặng khi nói về tội của mình nhưng không được im lặng trước hành vi phạm tội của đồng bọn. Nếu như anh ta biết mà không nói, anh ta không nói hoặc che giấu cho người khác sẽ phạm tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm”.
“Mặt khác, trong khi sử dụng quyền im lặng, bị can, bị cáo sẽ phải bỏ đi quyền khác, đó là quyền tự bào chữa. Anh được quyền này, mất quyền khác. Cơ quan điều tra cho phép anh quyền tự bào chữa, nếu anh nói về hành vi tội phạm của mình đúng bản chất anh sẽ được hưởng sự khoan hồng, thậm chí là tình tiết giảm nhẹ. Tôi nghĩ ta phải nói đúng bản chất quyền này”- ĐBQH Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.
Ông cũng nói rõ, "quyền này im lặng" ở nước ngoài đã có từ lâu. Đối với chúng ta, lời khai của bị can bị cáo không có là cơ sở duy nhất tìm chân lý vụ án hay không? Trả lời điều này, cần trở lại nguyên lý cơ bản sau đây: Thứ nhất, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng. Điều thứ 2, trong hoạt động tố tụng nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung. Thứ 3, lời khai của bị can bị cáo chỉ được sử dụng là chứng cứ trước tòa nếu phù hợp với những chứng cứ khác. Thứ 4, lời khai của bị can, bị cáo không được sử dụng làm chứng cứ trước tòa nếu là chứng cứ duy nhất.