Sự cố gián đoạn dịch vụ của VNG là lời cảnh báo cho Việt Nam trong chuyển đổi số
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng. Ảnh: Nguyên Đức |
Trao đổi tại hội thảo Vietnam Finance 2018 “Chuyển đổi số trong ngành Tài chính” ngày 26/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh: Cuộc CMCN 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho nhiều quốc gia, đặc biệt là với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam từ ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh vào các phương thức sản xuất, kinh doanh mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
“Chủ động tham gia cuộc cách mạng này, Việt Nam cần ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách, phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến cuộc CMCN 4.0, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào cuộc cách mạng này, ứng dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, bà Vũ Thị Mai nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc đầu tư vào các công nghệ mới như Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… cho phép chính phủ có khả năng đổi mới cách thức quản lý, mang lại hiệu qủa và lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Thời gian qua, Bộ Tài chính chủ động ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số.
Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái tài chính số. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai |
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho hay hiện nay khái niệm chuyển đổi số mới được đề cập trong phạm vi hẹp, được hiểu là số hóa ứng dụng CNTT để thúc đẩy phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ.
“Thế giới đang bước vào cuộc CMCN 4.0, xây dựng chính phủ số hướng tới nền kinh tế số. Việt Nam không đứng ngoài xu thế đó, việc tiến hành tốt chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam chủ động trong cuộc CMCN 4.0, hướng tới quốc gia thông minh”, Thứ trưởng nói.
Chuyển đổi số sẽ dẫn đến thay đổi mô hình kinh doanh. Nếu chưa có dữ liệu cần phải tạo ra dữ liệu, đầu tư nhân lực, công nghệ để sử dụng được. Xem xét chia sẻ và bảo vệ dữ liệu để đóng góp vào phát triển kinh tế.
Theo đánh giá, tại Việt Nam, lĩnh vực tài chính và CNTT có mức độ sẵn sàng cao nhất để chuyển đổi số dựa trên nguồn dữ liệu khổng lồ, các công nghệ lõi như dữ liệu lớn, IoT, Ai… Công nghệ Blockchain đang có ảnh hưởng mạnh, có thể áp dụng hầu hết trong các ngành nghề nhưng phổ biến nhất trong tài chính, ngân hàng, giúp minh bạch hơn.
Dù vậy trong chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ có nhiều thách thức lớn. “Thách thức đối với chuyển đổi số ở Việt Nam là nguồn lực và kỹ năng; văn hóa và nhận thức; an toàn an ninh mạng. Cho dù Việt Nam có tiến hành chuyển đổi số hay không thì khi đoàn tàu CMCN 4.0 đến, chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Như câu chuyện Uber hay Crypto Currency vào Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khuyến cáo.
Trong vấn đề an ninh mạng, lĩnh vực tài chính đã chứng kiến 1 sàn giao dịch chứng khoán ngừng hoạt động trong 2 ngày đầu năm 2018. Ngay cuối tuần qua, hàng loạt dịch vụ trong đó có dịch vụ thanh toán trung gian lớn (liên quan đến VNG – PV) đã ngừng dịch vụ trong nhiều tiếng đồng hồ liên quan đến sự cố tại trung tâm dữ liệu. Đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm trong vấn đề chuyển đổi số.
Cũng theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Như trong ngành thuế, hải quan; hay công nghệ tài chính (Fintech) cũng phát triển nhanh.
Ngành tài chính nắm giữ 3 lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế là thuế, hải quan và kho bạc. Thách thức lớn là làm thế nào tạo cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành tài chính. Bên cạnh những thách thức về xây dựng hạ tầng, đảm bảo an toàn an ninh mạng.
Hiện Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng 3 Nghị định về kết nối liên thông hệ thống thông tin, về xác thực, định danh điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân... Với sự hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng là điều kiện tốt để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chuyển đổi số.
“Bộ TT&TT sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng Bộ Tài chính trong quá trình chuyển đổi số”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.