Soạn luật không nên giao hết cho Bộ chủ quản
Soạn luật không nên giao hết cho Bộ chủ quản
ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường phản ánh, các ĐB còn khá lúng túng khi dự thảo Luật gửi rất chậm, không đủ thời gian đọc, nghiên cứu cho thấu đáo để góp ý cho hiệu quả. Việc thẩm tra Luật của ĐB Quốc hội sẽ tốt hơn nếu gửi sớm tài liệu cho các ĐB.
“Tôi đề nghị phải có chế tài cụ thể đối với cơ quan soạn thảo không chấp hành, hoặc chấp hành không đúng thời gian theo quy định. Đặc biệt phải quy trách nhiệm cụ thể đối với từng Bộ trưởng – tư lệnh ngành được giao nhiệm vụ soạn thảo đề án để nâng cao tính hiệu quả” – ĐB Hường kiến nghị.
Đề cập đến hoạt hoạt động tiếp xúc cử tri, ĐB Hường cho rằng, còn nhiều ý kiến cử tri đề cập chỉ thuộc thẩm quyền của chính quyền phường, xã chứ không phải những vấn đề tiêu biểu được đông đảo người dân quan tâm. Khắc phục tình trạng này, Quốc hội cần thông báo rộng rãi để cử tri biết mà đóng góp ý kiến xác đáng hơn.
ĐB kiến nghị cần được tranh luận nhiều hơn nữa tại hội trường |
Đề cập đến hiệu quả trong các kỳ làm việc, nhiều ĐB kiến nghị trong các phiên chất vấn tại hội trường cần cho thảo luận nhiều hơn chứ không nên triển khai theo hướng một chiều theo kiểu ĐB ý kiến, chủ tọa tổng hợp.
“Có những vấn đề cần tranh luận để đi đến chân lý. Vì thế tôi kiến nghị Quốc hội nên cho ĐB tranh luận nhiều hơn nữa tại hội trường trong các buổi chất vấn các thành viên Chính phủ, Toà án, VKS… hay góp ý luật, hoặc các vấn đề quan trọng” – ĐB Bùi Thị An kiến nghị.
Vị ĐB nữ này cũng cho rằng, bất cập hiện nay là dự thảo Luật thuộc lĩnh vực nào thì lại giao cho Bộ đó phụ trách xây dựng. Làm như vậy quyền lợi cá nhân của đơn vị ấy sẽ gắn vào trong đó, quyền và lợi ích chung sẽ không đảm bảo. Theo ĐB An, xây dựng Luật phải làm sao để nó đi vào cuộc sống như cơm bữa hàng ngày, để họ có thể thuộc được chứ không nên quá xa rời dân.
Đồng tình với quan niệm trên, nhưng ĐB Trịnh Thế Khiết cho rằng, muốn chọn người soạn thảo Luật tốt thì trước tiên phải có nguồn kinh phí tốt. Ngoài ra, việc soạn thảo Luật cũng không nên làm theo kiểu, lĩnh vực nào thuộc cấp Bộ nào thì Bộ đó đứng lên soạn thảo. Làm như vậy sẽ thiếu tính khách quan. Để đảm bảo sự công bằng, cần có đơn vị thứ 2 tham gia xây dựng Luật.
Theo ĐB Hồng Sơn, cần xây dựng đề án mang tính tổng thể hơn. Tránh dự án Luật mang tính chất khung và giao quá nhiều cho Chính phủ mà không có nghị định kèm theo. “Thống kê ý kiến ĐB, chúng ta cần bỏ đi hai cụm từ “đa số” và “một số”. Ví như một vấn đề có 7/9 ĐB ủng hộ, như vậy đã gọi là “đa số” chưa? Vì thế mỗi vẫn đề cần nói rõ có bao nhiêu ĐB tán thành, bao nhiêu ĐB không ủng hộ chứ không nên sử dụng các cụm từ chung chung” – ĐB Sơn nói.
Đề cập về thời gian trong các cuộc họp, một số ĐB biểu cho rằng thời gian Quốc hội họp một tháng là quá dài và phải được rút ngắn hơn nữa. ĐB Nguyễn Đức Chung tính toán nếu thời gian liên quan đến tài liệu thẩm tra được rút ngắn sẽ giảm bớt được từ 2 – 3 ngày. Tại hội trường, thay vì các thành viên Chính phủ đọc báo cáo mất vài ngày thì Văn phòng Quốc hội có thể gửi báo cáo đó cho ĐB nghiên cứu. Khi lên Hội trường không cần đọc báo cáo nữa mà sẽ đi thẳng vào góp ý luôn… Như vậy ít nhất đã rút ngắn thời gian họp được 8 – 10 ngày mà vẫn đảm bảo số lượng và hiệu quả làm việc.
Nhưng vị ĐB này cũng kiến nghị, cần tăng số lần tiếp xúc cử tri, có thể triển khai theo từng quý thay vì mỗi năm 2 lần như hiện nay.
Nguyễn Dũng