Soạn luật để chống rửa tiền
Soạn luật để chống rửa tiền
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với các đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh Xuân Hải |
Cần làm rõ vai trò của ngân hàng trong phòng chống rửa tiền
Dự thảo Luật bao gồm 5 Chương, 51 điều quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Nhìn chung, các ý kiến đều tán thành với nhiều nội dung cơ bản của dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đề nghị, trong dự thảo luật phải làm rõ vai trò trách nhiệm của ngân hàng trong công tác phòng chống rửa tiền và vai trò của công an trong công tác này. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), cho rằng cần bổ sung thêm trong dự thảo luật mục các hành vi bị cấm là: cấm con cái của quan chức thành lập doanh nghiệp để rửa tiền.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo luật chưa nêu được những nhận dạng hành vi về rửa tiền. Ông Đương ví dụ, ở nước ta đã thành lập được Cục Phòng, chống rửa tiền nhưng đơn vị này chưa phát hiện ra vụ rửa tiền nào. Đại biểu Đương đề nghị giao công tác phòng chống tội phạm rửa tiền cho Bộ Công an đảm nhiệm.
Đa số các đại biểu đề nghị không nội luật hóa khái niệm “rửa tiền” theo các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia vì Điều 3 dự thảo Luật đã quy định trong trường hợp có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cụ thể sửa lại như sau: “Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, được quy định trong Bộ luật hình sự”.
Các đại biểu đề nghị, giải thích khái niệm “rửa tiền" theo hướng phù hợp và toàn diện hơn nhằm khắc phục cách giải thích như dự thảo Luật gây khó khăn cho việc phân biệt hành vi rửa tiền và các hành vi vi phạm khác có liên quan trong thực tiễn xử lý tội phạm.
Không để tội phạm 'lách' luật
Về quy định mức độ giao dịch, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai), đề nghị không nên quy định mức độ giao dịch có giá trị lớn để các đối tượng phạm tội có thể 'lách' luật chia thành các giao dịch nhỏ mà cần sửa thành các giao dịch đáng ngờ.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho ý kiến, khái niệm “giao dịch có giá trị lớn” cần nêu rõ, giao dịch bao nhiêu tiền thì phải báo cáo?. Khái niệm 'có dấu hiệu đáng ngờ' cũng phải nêu rõ, lúc nào, như thế nào là có dấu hiệu đáng ngờ. Người báo cáo những hành vi nghi ngờ có dấu hiệu rửa tiền phải được bảo vệ. Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 74/2005/NĐ-CP của Chính phủ, giao dịch tiền mặt có tổng giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ, bằng vàng có giá trị tương đương thì phải báo cáo theo quy định
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần xem xét lại các hành vi bị cấm trong dự thảo luật phòng chống rửa tiền vì trong Bộ Luật hình sự đã quy định rất rõ về hành vi này. Về trách nhiệm của cơ quan thực hiện luật phòng, chống rửa tiền, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho ý kiến, trong dự thảo luật cần bổ sung vai trò của các cơ quan bộ ngành trong công tác phòng chống rửa tiền, cụ thể là cơ quan nào thực thi. Đại biểu đề nghị nên giao trách nhiệm cho Bộ Công an, Ngân hàng.
Cho ý kiến về điều 35, Về xử lý vi phạm: Tổ chức vi phạm các quy định của Luật này thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Cá nhân vi phạm các quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cần bổ sung việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cả các tổ chức chứ không chỉ cá nhân vi phạm về rửa tiền quy định tại điều 35.
Xuân Hải