Số hóa truyền hình sẽ mang lại lợi ích to lớn
Ngày 13/11 tại TP.HCM đã diễn ra buổi Tập huấn số hóa truyền hình mặt đất cho hơn 300 người là cán bộ thông tin cơ sở cấp phường, xã, thị trấn tại TP.HCM. Đây là buổi tập huấn do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức, nhằm thực hiện quyết định 2451 ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án só hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020 và Quyết định 891 22/7/2013 của Bộ trưởng TT&TT phê duyệt Đề án tuyên truyền số hóa truyền hình mặt đất.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu tại buổi tập huấn. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, hiện nay quá trình số hóa truyền hình trở thành một xu thế tất yếu. Trong đó gần như toàn bộ khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ đã hoàn thành việc chuyển đổi trong năm 2012. Tại Châu Á Thái Bình Dương, đa số các nước đã cam kết sẽ chuyển đổi sang truyền hình số trước năm 2015.
Không tách rời khỏi xu thế này, Việt Nam cần thực hiện việc số hóa truyền hình mặt đất để đảm bảo phát triển hiệu quả và hội nhập quốc tế thành công trong lĩnh vực truyền hình. Bên cạnh đó việc triển khai số hóa truyền hình sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Trong đó dễ nhận thấy nhất là việc nâng cao chất lượng truyền hình, đồng thời tăng số lượng các kênh truyền hình cung cấp đến người dân, và bảo đảm sử dụng hiệu quả băng tần số vô tuyến điện.
Cũng theo Thứ trưởng Thắng, hiện nay Bộ TT&TT với vai trò là đơn vị thường trực Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành của địa phương để triển khai các nội dung đề án nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành số hóa toàn bộ hệ thống phát sóng truyền hình trên cả nước. Trong đó 5 thành phố trực thuộc trung ương sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2015.
Bên cạnh đó Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai tại Việt Nam cho thấy việc thực hiện số hóa không dễ dàng, vì quá trình này không chỉ tác động đến các đài truyền hình của trung ương, địa phương, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thiết bị truyền hình, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức xem truyền hình của hàng triệu hộ gia đình trên cả nước.
Do đó phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là những hộ gia đình, đối tượng trực tiếp mua, sử dụng các thiết bị hiểu được rằng số hóa truyền hình là gì, cần phải chuẩn bị những gì khi chuyển đổi.
Thông qua buổi tập huấn này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng mong rằng với lợi thế làm việc tại cơ sở, các cán bộ thông tin sẽ phát huy vai trò, lợi thế của mình để tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội đối với việc triển khai đề án số hóa truyền hình.
Theo đề án được Thủ tướng phê duyệt, truyền hình tương tự mặt đất sẽ chính thức ngừng phát sóng sau thời điểm 24h ngày 31/12/2015 tại TP.HCM. Sau thời điểm này các ti vi thu tín hiệu theo cách dùng ăng ten cắm trực tiếp vào máy sẽ không còn thu được các kênh truyền hình như trước đây.
Để xem được các chương trình như cũ, người dân cần mua ti vi mới có tích hợp sẵn đầu thu truyền hình số chuẩn DVB-T2, hoặc mua riêng đầu thu nói trên và kết nối với ti vi. Việc chuyển đối này không ảnh hưởng đến các gia đình đang sử dụng dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình internet, truyền hình số mặt đất của VTC, AVG.
Các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia, các gia đình chính sách sẽ được hỗ trợ (miễn phí) 1 đầu thu DVB-T2. Để nhận đầu thu này, các hộ gia đình thuộc diện nói trên hãy liên hệ với UBND xã, phường nơi cư trú.