Sinh viên trải nghiệm lần đầu tiên “làm”... đại biểu Quốc hội
Đây là hoạt động trong chuỗi dự án "Nghị sĩ trẻ" của Văn phòng Quốc hội cho khoảng 200 bạn sinh viên tới từ nhiều trường ĐH. Tại đây các bạn trẻ đã được vào vai lãnh đạo Ủy ban Các vấn đề xã hội, các bộ trưởng có liên quan và đại biểu Quốc hội cùng thảo luận về chủ đề “hot” là chính sách việc làm đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Nội dung chất vấn xoay quanh trách nhiệm của các Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính,… thế nào trước tình trạng tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp cao, hoặc đi làm trái ngành nghề; Chính sách với các học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề; Cơ chế tuyển dụng lao động tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; Cải cách chính sách tài chính hỗ trợ giải quyết việc làm cho các kỹ sư, cử nhân trẻ...
Điều rất đáng vui mừng là một mô hình phiên làm việc của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất những tưởng sẽ khô khan, nhàm chán với giới trẻ, lại gây được sự thích thú hứng khởi cho các bạn sinh viên.
Trực tiếp được ngồi vào ghế "nóng" vai Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, em Lê Thị Hồng Hạnh, Sinh viên năm cuối trường ĐH Luật Hà Nội cho biết phiên giải trình không chỉ thực tế hóa những kiến thức về bộ máy hoạt động của Nhà nước được học trong trường mà còn giúp em có sự cảm thông với các chính khách.
Trong phiên giải trình, Hạnh được chất vấn về những vấn đề như: Tại sao đang trong thời kì dân số vàng mà lại có đến 170.000 SV thất nghiệp sau khi ra trường? Trách nhiệm của Bộ và giải pháp tạo việc làm cho SV?Lý giải vấn đề thiếu kết nối giữa các trường ĐH và các doanh nghiệp khiến các SV gặp khó khăn trong việc đi thực tập, tìm việc làm? Hay tại sao năng suất lao động của Việt Nam lại thuộc nhóm thấp nhất Châu Á Thái Bình Dương,…
Hạnh cho biết: “Để trả lời cho câu hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào, Bộ có giải pháp gì cho vấn đề này thực sự rất khó để chúng em. Trả lời làm sao để vừa đúng với vai trò của Bộ trưởng vừa thỏa mãn đại biểu rất khó, trong khi vốn hiểu biết của SV còn nhiều hạn chế.
Qua đó còn thấy vai trò của các Bộ trưởng rất quan trọng và kèm với trách nhiệm rất nặng nề. Với cương vị là người đứng đầu của một bộ, phải cố gắng làm sao vận hành trơn tru bộ máy của Bộ mình, song khi chịu trách nhiệm trước một vấn đề nào đó, hoàn toàn phải chịu trách nhiệm cá nhân. Các đại biểu quốc hội cũng vậy, là sự lựa chọn của nhân dân, phải làm sao cố gắng hết sức để bày tỏ được tiếng nói đại diện cho số đông, bức xúc của dân đến các cơ quan có thẩm quyền, đến Chính Phủ, Quốc hội”.
Cho rằng phiên giải trình mang lại rất nhiều ý nghĩa với SV, Hạnh chia sẻ “Trước hết nâng cao nhận thức chính trị cho SV để chúng em hiểu được một phiên giải trình trên thực tế diễn ra căng thẳng như thế nào. Cùng đó, giúp các bạn SV có được sự tự tin hơn. Việc được đóng vai Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, em cũng phần nào thấy cảm thông với họ khi luôn là người đầu tiên bị chất vấn, truy trách nhiệm. Và quả thực có nhiều vấn đề không phải không biết hay không muốn thay đổi mà rất khó để có thể thay đổi ngay trong thời gian ngắn. Em cũng mong cử tri có cái nhìn thông cảm hơn với các chính khách nói chung.
Vào vai đại biểu của tỉnh Quảng Nam chất vấn Bộ trưởng Bộ GD, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH với rất nhiều câu hỏi, em Nguyễn Đức Long (cựu sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết: “Qua những buổi như thế này sẽ giúp cho thế hệ trẻ nhận thức rõ hơn về Quốc hội đồng thời làm cho khoảng cách giữa Quốc hội và sinh viên giảm đi, để chúng em biết được một phiên giải trình quốc hội diễn ra như thế nào. Bản thân em thu hoạch được rất nhiều điều, đặc biệt khả năng đứng trước đám đông. Trước đây em nghĩ rằng Quốc hội là một cái gì đấy “cao và xa” đối với sinh viên và dù có mong muốn được làm một vị đại biểu quốc hội nhưng cũng không biết cách, sau khi qua những khóa tập huấn như thế nào em cũng biết được thêm rằng là muốn trở thành một vị đại biểu quốc hội thì cần những yếu tố như thế nào, biết một phần hoạt động của bộ máy nhà nước nên cực kỳ hài lòng với những buổi học này.
Việc đóng vai Đại biểu quốc hội mới cho em thấy các khó khăn mà những người đại biểu như thế nào khi phải giải trình trước rất nhiều người. Thế mới thấy sự chuẩn bị của các vị Đại biểu phải chu đáo tới cỡ nào, chắc chắn còn kỳ công hơn bọn em nhiều”.
Em Nguyễn Đức Long bày tỏ ý kiến tại buổi giải trình Quốc hội trẻ |
Long cũng chia sẻ những buổi họp như thế này thực sự rất cần thiết với sinh viên. Bởi qua đó, soi vào bản thân mới thấy thực sự sinh viên vẫn còn thiếu rất nhiều kiến thức kỹ năng. Do đó, cần thay đổi rèn luyện, đầu tư học tập tìm hiểu nhiều hơn nữa để có việc làm khi ra trường chứ không phải chỉ biết đổ tại là do Nhà nước, chính sách.
Cô Nguyễn Thị Anh Thơ, phó Bí thư Đoàn trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: “Chương trình Nghị viện trẻ là một mô hình mới mà lúc đầu tôi không kì vọng sẽ thực sự thu hút các em sinh viên bởi đây là một chương trình rất là khó với các bạn đang ngồi trên ghế nhà trường chủ yếu học kiến thức lí thuyết rất ít thực tiễn. Khi mà các bạn giao đóng vào vai đó là những thử thách rất khó đối với các em sinh viên. Với chủ đề rất là thực tiễn và sát, đúng theo nguyện vọng của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Lúc đầu lo lắng chương trình này sẽ gây chán bởi những vấn đề mang tính thời sự, chính trị nhưng thực tế các bạn lại rất nhập vai, hưởng ứng rất nhiệt tình.
Tôi rất vui khi trước câu hỏi là các em có lo lắng khi mà ra trường bị thất nghiệp không thì các bạn trả lời là chúng em tin vào năng lực của mình, như hôm nay chúng em có thể đứng trước đám đông phát biểu, chia sẻ một cách tự tin thì không nghĩ rằng ra trường sẽ bị thất nghiệp. Vậy khi mà sinh viên ra trường thất nghiệp cũng phải đặt một câu hỏi vậy thì năng lực của mình như thế nào hay là đổ trách nhiệm cho nhà trường và xã hội”.
Theo cô Thơ, đây cũng là cơ hội để cho sinh viên chứng tỏ được năng lực của mình, khả năng nắm bắt các vân đề xã hội, đặc biệt có thể hữu ích trong tương lai do vậy cô hy vọng sẽ được nhân rộng với nhiều lứa sinh viên sau này.