"Siêu dự án" trên sông Hồng sẽ phá vỡ quy hoạch!
Siêu dự án này được đề nghị triển khai theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành). Dự án có vốn đầu tư dự kiến là 24.510 tỷ đồng (trong đó, 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp; phần còn lại huy động vốn vay thương mại) do Công ty TNHH Xuân Thiện thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đề xuất.
Dự án có mục tiêu kép là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng - Việt Trì và Hà Nội - Lạch Giang; đồng thời cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỷ kWh/năm.
Để thực hiện mục tiêu trên, chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét hơn 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp 3; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp 2), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.
Theo tính toán, với nguồn thu chính là phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì - Yên Bái thu 10.000 - 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000 - 45.000 đồng/tấn); giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/kWh và có lộ trình tăng giá lên tới 3.560 đồng/kWh)… nhà đầu tư kỳ vọng hoàn vốn dự án trong vòng 25 năm.
Về ảnh hưởng đến người dân, dù sẽ phải nâng cao mực nước, xây dựng quy mô lớn nhưng Công ty TNHH Xuân Thiện đánh giá sẽ chỉ ảnh hưởng tới khoảng 600 nhân khẩu ở 31 xã thuộc địa bàn Yên Bái, Lào Cai. Do mực nước ở các đập ngăn sẽ vẫn thấp hơn mực nước lũ hằng năm nên dự án cơ bản không làm thay đổi lòng sông.
Bà Ngụy Thụy Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (bên phải) cho rằng, xây thủy điện trên sông Hồng sẽ phá vỡ quy hoạch. |
Có đáng để "hy sinh", đánh đổi khi làm dự án này?
Liên quan đến "siêu dự án" này, trao đổi với phóng viên Infonet chiều 4/5, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, các dự án thủy điện này không có trong quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh, do đó nếu đưa vào tức là phá vỡ quy hoạch.
Theo bà Khanh, dù là “siêu dự án” thì cũng cần phải làm rõ 5 vấn đề:
Thứ nhất, tính cấp thiết của dự án này tới mức nào?
Thứ hai, tại sao lại là BOO mà không phải là hình thức khác?
Thứ ba, mục tiêu và lợi ích tổng thể về kinh tế, xã hội và môi trường mà dự án này mang lại là gì?
Thứ 4, danh mục những tổn thất và tác động mà dự án này có thể gây ra và có đáng để hy sinh để đánh đổi khi làm dự án này không?
Thứ năm, chủ dự án sẽ xây dựng, vận hành và sở hữu công trình, vậy là sở hữu tài sản công là dòng chảy sông Hồng, điều này có phù hợp với các luật hiện hành không, cần các cơ quan chức năng làm rõ? Nếu có mâu thuẫn với các nhu cầu sử dụng nước khác thì sẽ được xử lý ra sao?
Theo tìm hiểu của bà Khanh, thủy điện nhỏ được coi là nguồn năng lượng tái tạo nhưng thực tế triển khai ở Việt Nam đã có những tác động môi trường và xã hội rất lớn, vì đã can thiệp vào dòng chảy thì chắc chắn có tác động.
Theo bà Giám đốc GreenID, những tác động của thủy điện đã được nói tới nhiều và đã nhìn thấy rõ với nhiều công trình thủy điện lớn nhỏ ở Việt Nam: Mất nguồn lợi cá, đồng ruộng thiếu phù sa, hạn chồng hạn, lũ chồng lũ nếu không vận hành tốt và rủi ro càng cao khi không điều phối và kiểm soát được ở phía thượng nguồn.
“Thế mạnh của dự án này là nhà đầu tư được sở hữu công trình và tùy ý khai thác nguồn nước là tài sản chung. Thế mạnh chỉ cho nhà đầu tư, còn lo lắng dồn cho cộng đồng. Thế giới đã có bước ngoặt năng lượng với xu thế dùng năng lượng mặt trời và gió, thủy điện đã hết thời cũng như không được ủng hộ vì những hệ lụy lâu dài không thể sửa chữa được. Đây cũng là lý do vì sao chúng ta không ủng hộ thủy điện dòng chính Mê Công”, bà Khanh nói.
Theo quan điểm của bà Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh, ở giai đoạn này cần làm rõ tính cấp thiết của dự án này cũng như công khai thông tin về dự án để cộng đồng và các nhà khoa học góp ý, phản biện. Cần xem xét tính pháp lý và phù hợp của dự án với các quy hoạch phát triển lưu vực, quy hoạch điện và quy hoạch ngành có liên quan khác.
“Quyết định liên quan tới việc sử dụng dòng sông, một tài sản công liên quan tới nhiều cộng đồng và cả một lưu vực sông, cần được sự đồng thuận của cộng đồng và đặc biệt xem xét về lợi ích lâu dài và quy hoạch phát triển tổng thể”, bà Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh nói.
Bà Khanh cũng cho rằng, những hệ lụy về môi sinh, xã hội cần phải được đặt lên bàn cân ngay từ bây giờ để tránh hậu quả như những bài học từ các sự cố môi trường gần đây.