"Siêu đám cưới": Nhóm quí tộc kinh tế muốn khẳng định đẳng cấp!
"Siêu đám cưới": Nhóm quí tộc kinh tế muốn khẳng định đẳng cấp!
Cô dâu chú rể trong "siêu đám cưới" ở Hương Sơn, Hà Tĩnh đeo tới 60 cây vàng trên cổ |
Ủng hộ và ngưỡng mộ
Chị Ngô Ngọc Yến, tổ 15 Phường Bạch Đằng, Quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Tôi nghĩ việc này hoàn toàn là việc riêng của người ta, có tiền người ta có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Tôi chỉ thấy đáng nể thôi.” Cổ vũ mạnh mẽ hơn, chị Nguyễn Thu Hương số nhà 34 ngõ 285/54 Đội Cấn , Hà Nội đã nói thẳng: “Tôi mà giàu như thế thì tôi cũng tổ chức đám cưới như vậy.” Đưa ra ý kiến trái ngược lại các quan điểm phản đối sự xa hoa của đám cưới, anh Dương Văn Thắng, sinh viên ĐH KHXH & NV Hà Nội, khá gay gắt: “Nhiều người cứ lên giọng cần phải đi ủng hộ người nghèo thế ai đó đã ủng hộ được nhiều chưa? Người ta giàu thì thuế của người ta đóng góp lớn rồi, mà tiền mừng cưới người ta vẫn nói là sẽ góp từ thiện đó thôi. Tiền chi cưới đó cũng là cách đóng góp cho sự phát triển của thương mại trong nền kinh tế. Tiền mà để trong nhà thì mới là tiền chết”
Hoài nghi và …. “ném đá”
Những ý kiến ủng hộ cũng có nhiều nhưng nhiều hơn cả là những phản ứng trái chiều.
Nghe mấy cậu choai choai, ngồi quán nước kể câu chuyện đám cưới chi 50 tỉ, bà hàng nước trên đường Nguyễn Khánh Toàn buông tiếng thở dài: “Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra, tôi bán nước, đêm hôm tối sớm cả đời mà cũng chẳng đủ ăn...”. Một bạn trẻ hỏi giá gạo nhẩm tính rồi chép miệng: “Số tiền chi cho đám cưới 30 tỉ tương đương với hơn 2 nghìn tấn gạo. Nhiều trẻ em vùng xa, vùng sâu miền núi còn chẳng đủ cái ăn, thế mà họ chi từng ấy tiền cho dịp vui phù phiếm. Chắc họ chẳng nghĩ gì mấy tới cộng đồng..."
Rất nhiều người khi nghe câu chuyện, lại bày tỏ hoài nghi về thông tin sẽ dùng số tiền mừng đám cưới để làm từ thiện. Bạn Hoàng Ngọc Trang, Khoa Tin học, trường ĐH Sư phạm 2 cho biết: “Qua bài báo chỉ thấy là có thông tin như thế. Nhưng tôi không tin là số tiền đó sẽ được làm từ thiện, vì ai mà kiểm chứng được tiền trong túi người ta nhận được bao nhiêu, chi ra bao nhiêu...”
Nói về "siêu đám cưới", chị Nguyễn Thị Lập, Chi hội phó chi hội Phụ nữ đội 8 xã Mậu Đông huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái giật mình cho biết: “Chúng tôi không bao giờ dám nghĩ đến con số như thế. Tôi nghĩ có điều kiện lo cho con cái cũng tốt nhưng thái quá thì chả khác gì tiếp thêm cho con cái ‘tính lãng phí’. Điều đó chẳng hay chút nào.”
Nhiều người dân khi được hỏi cũng phân tích, trong khi Hà Tĩnh là tỉnh nghèo, hàng năm bão lụt thì một đám cưới lãng phí sẽ không thể bằng một hành động cao thượng chia sẻ với mọi người.
Nhóm quý tộc kinh tế cũng cần khẳng định họ ai?
TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình (Viện khoa học xã hội Việt Nam) nhận định về đám cưới triệu đô tại Việt Nam:
Dàn siêu xe và sự có mặt của những nghệ sĩ nổi tiếng là điểm nhấn của các đám cưới xa hoa ở Việt Nam hiện nay |
Mấy ngày vừa qua tôi thấy có nhiều ý kiến khen, chê về đám cưới triệu đô của con trai 2 doanh nghiệp tại Cần Thơ và Hương Sơn (Hà Tĩnh). Theo tôi, xét về mặt đạo lý, ứng xử trong cộng đồng người Việt, việc quá vung tay tiêu sài xa hoa cho đám cưới là một việc làm đáng chê trách. Bởi người Việt chúng ta thường đánh giá sự việc bằng cảm tính chứ không phải bằng lý tính. Do đó, hành động chi hàng triệu đô trong đám cưới con làm nên sự gai lòng, khi bối cảnh đất nước còn khó khăn, trong cộng đồng có hàng trăm, hàng ngàn cảnh đời bất hạnh.
Tuy nhiên, không có một quy tắc xã hội nào để áp dụng cho sự việc trên nên không thể quy kết người ta phạm quy tắc này, hoặc quy tắc kia khi chi nhiều tiền trong ngày vui của con cái. Hiển nhiên, qua đó, những người có tiền muốn khẳng định đẳng cấp, vị thế, khẳng định bản lĩnh kinh doanh với cộng đồng. Cụ thể, với đám cưới con: hàng chục siêu xe rước dâu, tiệc lên tới 6 triệu đồng/ bàn, vàng đeo trĩu cổ, thuê hàng chục ca sĩ, người mẫu nổi tiếng tới tham dự … là cách họ thể hiện việc họ đang làm ăn rất phát đạt, không nợ nần chồng chất và họ có tấm lòng hảo tâm nên rất mong muốn xã hội trọng vọng họ. Tôi cho rằng, vung tay trong đám cưới con là cách hành xử của một nhóm người thích tự “ca hát”, tự chiêm ngưỡng bản thân để cộng đồng biết tới họ, vị nể họ.
Theo tôi, đây sẽ không phải là trường hợp đơn lẻ. Có thể, sắp tới, cộng đồng sẽ được biết những sự việc còn gây sốc hơn nữa. Nhóm quý tộc kinh tế cần khẳng định họ là ai bằng nhiều cách khác nhau. Đây là một quy trình tất yếu xảy ra buộc xã hội chúng ta phải chấp nhận.
Nguyễn Lê - Văn Cường
thực hiện