“Siết” điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kế toán với người nước ngoài
Chiều 22/5 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.
Theo Bộ trưởng Tài chính, sau 10 năm thực hiện Luật kế toán đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Một trong số đó là Luật kế toán quy định hạch toán theo giá gốc, nhưng nhiều này không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Cần có điều kiện quy định chặt chẽ về cấp chứng chỉ hành nghề kế toán đối với người nước ngoài |
Ngoài ra, theo "tư lệnh" ngành tài chính, các hành vi bị cấm, quy định hóa đơn bán hàng để bảo đảm hạch toán tại đơn vị kế toán, cũng như sử dụng để kê khai, thanh quyết toán thuế với ngân sách Nhà nước.... chưa được quy định rõ trong luật hiện hành.
“Chất lượng công tác kế toán đã được coi trọng, song còn có biểu hiện hạch toán kế toán không trung thực, gian lận, báo cáo tài chính chưa kịp thời và độ tin cậy chưa cao”- Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá và thay mặt Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, nhưng Chính phủ cần tổng kết, đánh giá về quá trình thực thi luật, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện hơn, xác định đầy đủ các nội dung chưa được quy định ở Luật Kế toán hiện hành để bảo đảm tính ổn định và đời sống lâu dài của luật.
Ngoài ra, Luật kế toán là đạo luật mang tính chuyên ngành cao, bao quát nhiều loại hình, lĩnh vực hạch toán. Do đó, không thể chi tiết, cụ thể hóa tất cả các quy định liên quan đến công tác kế toán vào nội dung dự thảo luật.
“Đối với những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên ngành, có thể giao Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật, nhưng cần bổ sung vào dự thảo luật những quy định mang tính nguyên tắc về chính sách, chế độ kế toán, nhất là các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm tính định hướng trong quá trình ban hành văn bản dưới luật”- Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.
Đề cập cụ thể hơn về một số sửa đổi trong dự thảo Luật Kế toán, ông Phùng Quốc Hiển dẫn chứng, khoản 1 Điều 57 Dự thảo luật quy định về tiêu chuẩn và điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kế toán đối với công dân Việt Nam; khoản 2 Điều 57 Luật hiện hành quy định về tiêu chuẩn và điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kế toán đối với người nước ngoài. Theo đó, đối với công dân Việt Nam, ngoài các yêu cầu về bằng cấp, dự thảo luật còn quy định về các điều kiện liên quan đến phẩm chất đạo đức và giới hạn các đối tượng không được làm kế toán.
Tuy nhiên, đối với người nước ngoài lại chưa đề cập tới các đối tượng bị cấm thực hiện công tác kế toán, chưa quy định về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp,...
Do đó, để bảo đảm chặt chẽ, công bằng, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kế toán đối với đối tượng là người nước ngoài; bổ sung quy định về việc thừa nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kế toán đối với trường hợp công dân Việt Nam có chứng chỉ chuyên gia kế toán được nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế cấp. Ngoài ra, đề nghị tại điểm c khoản 1 Điều 57 Dự thảo luật quy định rõ “đạt kỳ thi do cơ quan có thẩm quyền tổ chức” là cơ quan nào….
Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhất trí với thời điểm áp dụng Luật là từ ngày 01/7/2016. Riêng việc lập báo cáo tài chính nhà nước, việc đảm bảo các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp dịch vụ kế toán thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực, sẽ được áp dụng từ ngày 01/7/2018 để có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết.