Shop TIN 28/12: Lưỡi dân và lưỡi quan tham
Khai từ:
PHỎNG VẤN LƯỠI QUAN THAM
-Xin lỗi tôi nhầm địa chỉ...
-Cái gì? Rõ đây là lưỡi quan, nhầm cái gì nữa, mời người ta tới phỏng vấn, rồi nhầm, rõ là nhà văn dở hơi...
-Nhưng hình như không phải lưỡi...
-Cái gì?Bực bội quá ta. Này, lè ra rồi đây, đúng lưỡi chưa?
-Nếu đúng là lưỡi thì chưa hẳn là lưỡi người bình thường... chưa hẳn lưỡi dân?
-A há...Lưỡi dân và lưỡi quan, ý văn học của cậu là gì?
-Không có chi lớn...Vì lưỡi dân nhìn tròn trĩnh, xinh xắn, mềm mại, lưỡi này của quan thấy nó lúc thòi ra dài ngoằng, lúc thụt vào mất hút, cứ như động cơ...
-Thôi được rồi, nhà văn chúng mày đụng vào cái gì mà chẳng tranh thủ nói kháy...Tóm lại phỏng vấn đi...
-Ông bà xưa tổng kết: Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.
-Chính xác.
-Đó là nhận xét về lưỡi quan, lưỡi của bọn gian dối, bọn láo liên, bọn mất dạy,bọn lừa đảo, nếu quan đồng ý chính xác thì không còn gì để bàn...
-Quan có nhiều loại quan, vì thế lưỡi quan cũng có nhiều loại, không thể đổ đồng như thế.
-Vâng. Quan tốt lưỡi như lưỡi dân, trung thực, minh bạch, bật lời nào ra trước sau như một. Nhưng lưỡi này, xem chừng không phải thế, lúc thò ra dài ngoằng, khoắng trong không khí như lưỡi rắn, lúc lại co thụt lại, mất hút như cái đầu rùa, ông có thấy khó chịu lắm không?
-Không.
-Cũng có thể là ông không khó chịu vì ông quen thế rồi, lưỡi quan dối trá quen liến láu, thòi ra thụt vào...
-Nói thì phải có chứng cứ, bôi xấu lưỡi là bôi xấu quan..
-Vâng.Chứng cứ nhiều vô kể. Ví dụ khi đi cưỡng chế đất người ta, nhà người ta không nằm trong diện cưỡng chế vẫn liều mạng ra lệnh phá, lại liến láu nói do người dân tức giận đập phá chứ không phải do lệnh quan. Dối trá tởm lợm.
-Tiếp.
-Người ta không sai, người ta sống đàng hoàng, bỗng dựng cướp đất nhà người ta, người chống lại kẻ cướp rành ràng, thì lại cho người ta phạm tội. Tởm.
-Tiếp.
-Khi dân chúng la ó, xã hội lên án, thì cái lưỡi quan liến láu đổ tội lung tung, láu liêng, xoen xoét, thòi ra thụt vào cốt ngụy biện. Tởm.
-Tiếp.
-Biết là sai mà lưỡi quan cứ vỗng ngươc lên lý luận lý liếc, vận dụng vận diếc, khẳng định khẳng điếc, điều tra điều triếc, án thì không làm theo luật mà làm theo thù hằn,trả thù dân...Tởm.
-Tiếp
-Suy cho cùng, cái lưỡi quan đôi khi như lưỡi rắn mang đầy nọc độc...Quan xấu quan tham thì lưỡi càng nhiều độc...Lưỡi ấy có ngày trời không dung đất không tha, đời quan trời chưa định thì đời con đời cháu cũng có ngày ăn bả chuột...
-Tiếp
-Hồi chưa quan, lưỡi quan đẹp lắm, ngoan lắm, trong lắm, mềm mại lắm, chân thực lắm, lên quan, tham lam, lưỡi biến chất theo người, mang đầy nọc độc. Làm con người mà mang cái lưỡi tởm thế, hóa hiểm hơn con thú.
-Bây giờ nghe tao nói được chưa? Tao biết mày thay dân chửi quan, bôi nhọ phẩm chất của quan tham như tao. Nhưng tao hỏi, cái lưỡi của tao có giữ được không nếu cấp trên tao bảo vẹo sang trái, tao lại vẹo lưỡi sang phải? Nếu cấp trên của tao bảo thè lưỡi dài ra cãi sống cãi chết để bảo vệ nhau, tao lại không thè? Nếu cấp trên tao bảo thụt lưỡi vào ngay, thụt kín, câm câm câm, tao lại không thụt? Nghĩ đi, thế hóa ra tao chết hả? Cái lưỡi của tao ngoài việc phải biết mặn, ngọt, chua cay như lưỡi thường, còn phải biết uốn, lè, thụt, quặt, vắt, nguẩy, rung, lé, có thế mới sống được như hôm nay.
-Đúng thế, ông đang nói rất đúng về cái lưỡi của quan tham...
-Mày còn gì để phỏng vấn nữa không?
-Câu cuối.
-Hỏi đi.
-Từ nãy giờ tôi và ông cùng đồng ý với nhau, lưỡi quan tham như ông là rất tởm đúng không?
-Hả? Làm gì có chuyện đó. Nãy giờ tôi và đồng chí đang bàn đến vấn đề văn minh đô thị, nhỉ, lại đang đồng thuận cao về những ý kiến của cấp trên, nhỉ, lại đang thống nhất một lòng về việc ủng hộ các chủ trương của cấp trên đúng không, lại đang cùng chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của đa số nhân dân lao động, nhỉ, tốt quá, cám ơn nhé, vâng, xin cám ơn.
RẤT SỐT RUỘT...
Tôi phá lệ không lấy tin từ báo chí mà lấy ngay một cảm nhận của nhà báo Trần Đăng Tuấn trên facebook của anh. Cũng như anh Tuấn, tôi và mọi người khi đọc thông tin này vô cùng sốt ruột. Xin các nhà báo hãy tiếp cận thông tin từ Bộ giáo dục để có thể giải tỏa sự nóng ruột này. Lấy theo ý câu thơ Xuân Diệu: Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ/ Trên non cao các cháu cạn bữa rồi..
+Tháng 9 /2011 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 60 hỗ trợ 120 ngàn/tháng/ học sinh để các bé vùng cao ăn trưa tại lớp. Quyết định này cho giai đoạn 2011-2015. Phải đến tháng 3/2013 Liên Bộ mới có thông tư hướng dẫn thực hiện và các cháu mới có tiền ăn trưa. Cá nhân tôi khi đó đã viết thư ngỏ gửi ông Phạm Vũ Luận đề nghị mau ra thông tư hướng dẫn. Trên diễn đàn Quốc hội có đại biểu đã chất vấn ông Luận về việc này.
Cho đến hết tháng 12 này hết hiệu lực thi hành của quyết định 60. Các cô giáo Mầm non vùng cao nháo nhào hỏi chế độ hỗ trợ 120 ngàn sẽ tiếp tục hay không. Có nơi phòng giáo dục đã đành hướng dẫn các cô tạm dừng nấu ăn. Các cô xót các con, biết việc dừng sẽ kéo theo một loạt hậu quả, và cả công lao dựng bếp nấu ăn mấy năm qua. Học sinh bỏ học sẽ nhiều, sức khỏe các con giảm sút. Nhưng nếu cứ nấu ăn, chịu nợ thực phẩm, nếu rồi chế độ không gia hạn thì tiền đó lấy đâu ra mà trả.
Chúng tôi nghĩ (và có hỏi dò nguồn tin) rằng có sự chuẩn bị của các bộ để kéo dài thời gian hỗ trợ. Chúng tôi cũng nghĩ là không có chuyện dừng, mà chỉ là sự chậm chễ cố hữu của văn bản trình cấp phê duyệt.
Tuy nhiên, mấy ngày nữa là hết hạn hỗ trợ theo qđ 60 và chưa thấy các cô nói là đã có thông báo mới.
Sẽ có nhiều nơi bỏ nấu ăn cho học sinh nếu trong mấy ngày tới không có tín hiệu gì từ Bộ Giáo dục về việc này. Khởi động lại là không dễ.
Hy vọng là có các bạn trên FB làm việc tại các Bộ biết về việc chuẩn bị gia hạn và thông tin cho biết việc xử lý gia hạn có đang làm không và bao giờ có quyết định.
Nếu stt này viết khi việc đã giải quyết rồi, xin thứ lỗi.
Nếu vấn đề sẽ giải quyết theo cách khác, được các bạn thông tin thì cũng tốt.
Quả thật, rất nhiều người như tôi, biết về việc này, đang sốt ruột.
VÀ RẤT NÓNG RUỘT
Nếu tôi chưa lẫn thì hình như đầu năm nay, Bộ Y tế truyền thông rầm rộ cùng với sự xuất hiện cũng rất rầm rộ của o Tiến Bộ trưởng về những cam kết bệnh viện không để xảy ra nằm chung, không để thiếu giường, bệnh nhân tới viện là y như tới sân bay, cũng có 4 phong cách tiếp đón tươi vui rộn ràng...
Nhưng mà tình hình vẫn là rất tình hình về sự quá tải, đặc biệt là sự quá tải ở các bệnh viện Nhi khi có dịch bệnh.
Các cháu đau ốm khổ, bậc cha mẹ theo các cháu khổ, y bác sĩ căng thẳng...
Những than thở này có trên facebook của O Tiến không đây, nếu chưa có, o đọc ở đây, còn tôi, tôi dám chắc lãnh đạo ngành y tế quá biết, vấn đề là sau những phát động phối kết hợp với phong trào như vậy, tình hình có vẻ vẫn rất...tình hình o Tiến ạ. Nhiều khi từ ý kiến bày tỏ hoặc than thở của các phụ huynh như thế này, lãnh đạo nắm tình hình kỹ hơn, đỡ những câu chữ màu mè, khuất lấp trong các báo cáo luôn luôn được đánh máy sạch sẽ trên những trang giấy thơm tho:
+Xót xa!
Ảnh từ Facebook Hoai Nam Nguyen |
Con gái tôi bị sốt xuất huyết nằm bệnh viện quận 3 ngày thì bị sốc và được BV quận đưa lên bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu ngay trong đêm.
Tới bệnh viện Nhi đồng 1 nuôi con ở phòng cấp cứu và sau đó là chuyển lên khoa sốt xuất huyết, chứng kiến cảnh các cháu nhỏ mọi lứa tuổi ở độ tuổi nhi đồng nằm điều trị la liệt, có những giường bệnh có 3 cháu nhỏ nằm chung.
Giường không đủ, các cháu nằm ở hành lang của bệnh viện trên manh chiếu mong manh, bệnh viện linh động kê giường ở cả hành lang để điều trị bệnh cho các cháu. Nhìn những ông bố bà mẹ thất thần do thiếu ngủ vì lo cho con cái, mắt thâm quầng.
Cảnh các bà mẹ nằm ôm con ngủ ở hành lang mà thật cảm động. 10 giờ 30 sáng, ánh nắng gay gắt lên cao, chiếm mất chỗ của các bà mẹ. Không chợp mắt sau một đêm thức trắng chăm con, bà mẹ ngồi thu lu ở góc hành lang để trốn nắng. Có những bà mẹ tay quạt liên tục cho con, tay ôm con nhưng điện thoại áp vào tai để liên tục thông báo cho người nhà "con đã bớt bệnh"...
Nhìn lại những đại án tham nhũng đã và đang xét xử, những cán bộ ngày ngày bòn rút tiền thuế của dân. Mới đây (ngày 8.12) ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương đình chỉ hai nhân viên Khoa dược là Phan Văn Lợi và Sử Khắc Trí vì ăn cắp thuốc của bệnh viện mang bán làm thất thoát nhiều tỉ đồng, nhưng chẳng thấy báo nào đưa tin, thật xót xa.
Được các bác sĩ tận tình hết lòng vì bệnh nhân, nay con tôi đã ra viện, nhưng nhìn những hình ảnh như thế tôi lại ước, ước một bộ phận cán bộ không tham nhũng, không đục khoét tiền thuế của dân thì có lẽ số tiền ấy sẽ xây được thêm nhiều bệnh viện, sắm được nhiều giường bệnh để điều trị bệnh các cháu trên mọi miền đất nước thì hạnh phúc biết mấy.
NGỠ NGÀNG TỚI NHIỆM KỲ SAU...
Những kiểu ngỡ ngàng này với ngành Văn hóa - TT&DL thì nói mãi không hết, nói cho tới sang nhiệm kỳ sau, kiểu như Dự án nhà văn hóa các dân tộc Việt Nam nhà nước chi cả mấy ngàn tỉ rồi mà xuống cấp thê thảm nhưng lãnh đạo Bộ vẫn hào hứng khoe thì khó để có gì làm thay đổi.
Vì vậy, tôi trích nguyên một đoạn trong viết của báo Tuổi Trẻ kèm một tiếng thở dài gửi ông Bộ trưởng mới vào nhiệm kỳ sau chứ biết làm gì:
+Thật sự ngỡ ngàng khi đọc thông tin Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đưa “Nhà Việt Nam” tại Expo Milano vào danh sách đề cử những sự kiện tiêu biểu trong năm 2015.
Chúng tôi không muốn tranh luận với lãnh đạo bộ này về chuyện số lượng người tham quan, số lời khen... mà chỉ xét trên một yếu tố quan trọng bậc nhất, đó là cuộc triển lãm của Việt Nam tại Expo Milano “trúng đề” hay là “lạc đề”?
Cơ bản cần nêu rõ rằng Expo Milano không hề là một hội chợ, triển lãm văn hóa, du lịch chung chung mà có chủ đề được công bố làm “đề bài triển lãm” là “Nuôi nấng hành tinh, năng lượng cho sự sống” (Nutrire il pianeta, energia per la vita!).
Mỗi Expo, cách nhau 5 năm, có một chủ đề riêng: Expo Thượng Hải - 2010 có chủ đề là “Thành phố tốt đẹp hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn”; Expo tới, Dubai - 2020, thì siêu hiện đại: “Kết nối tâm hồn, sáng tạo tương lai”.
Thành ra, để đánh giá cho trúng thì phải trả lời câu hỏi: triển lãm của Việt Nam có đúng với chủ đề trên hay không?
Câu trả lời là: nội dung triển lãm của Việt Nam hoàn toàn lạc đề, trái với phần lớn các nước đều đã tham gia đúng theo “đề bài”. Đó là lý do mà ngay cổng vào lại sừng sững các tòa nhà hình vựa lúa của Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO).
“Nhà Việt Nam” - lạc đề, không thể tiêu biểu
CA SĨ THÚY NỘI ĐAU BỤNG VÌ...CƯỜI
Ca sĩ, Nsưt Thúy Nội là giọng ca vàng của Nhà hát ca múa nhạc Quân Đội. Phần lớn facebook của chị chủ yếu "chém gió" về các chuyến lưu diễn trong nam, ngoài bắc, ra cả Trường Sa, đi quốc tế, nhưng hôm nay, cô này đùng đùng cười hả hê trên tường nhà facebook của mình như thế này....cười rồi kêu đau bụng:
+Hahahaa.. Đang xem chương trình Chuyển động 24h trên Vtv1 mà cười đau cả bụng! Cụ thể chương trình đang nói về việc Xã X huyện y tỉnh z (viết thế cho nó nhanh) có chương trình cung cấp dê giống cho bà con nuôi thoát nghèo, nhưng bà con sau 1 thời gian nuôi đã kêu trời vì dê ko thể đẻ được, mà dê giống được cấp cũng không được phép bán đi (kiểu như là phải nuôi chăm sóc cho dê giống đẻ bằng được ra dê con ý mà)...mỗi hộ được cấp 1 đôi dê giống, nuôi mãi cũng không thấy đẻ, bà con đã tốn nhiều tiền của chăm sóc mà vẫn bó tay.... Nguyên nhân là do đôi dê giống mỗi hộ nhận được con đực thì đang tuổi vị thành niên, còn con cái thì đang sinh hoạt tổ dưỡng lão, thế là bà con không tài nào giúp chúng được...Có bác còn phát biểu: Cho chúng tôi dê già thế này thì đẻ cái gì... Còn nhìn cháu dê đực thì thương lắm ý, non tơ lũn tũn chạy theo dê cái...kkkkk.. Tui đau bụng quá
(Thuý Nội)
Chương trình mà ca sĩ Thúy Nội xem và ôm bụng cười về mấy con dê không thể sinh sảnlà đây
NGAO NGÁN
Ông Nguyễn Ngọc Anh (P.Cam Phú, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết ông và cả gia đình đang hết sức lo lắng trước cách xử lý của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát.
10 tháng trời sau khi phát hiện và thông báo 6 chai trà Dr Thanh có gợn bẩn, tới giờ vẫn chưa ai đứng ra kết luận, còn phóng viên trực tiếp hỏi lãnh đạo công ty này thì:
+Ngày 24-12, chúng tôi liên lạc với bà Trần Uyên Phương - phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát - để hỏi về việc xử lý của công ty đối với sáu chai trà Dr Thanh mà ông Anh đang giữ thì được bà Phương đề nghị gửi email về cho ông Nguyễn Phan Huy Khôi - giám đốc đối ngoại của công ty.
Còn trường hợp của ông Anh, ông Khôi chỉ gửi mấy dòng: “Về trường hợp khiếu nại anh hỏi, hiện nay Tân Hiệp Phát đang triển khai phối hợp mời các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, Sở Công thương, cơ quan báo chí đến tham gia chứng kiến quá trình giải quyết khiếu nại và sẽ thông báo lại anh thông tin cụ thể”.
Thế mới biết một khi nhà sản xuất chả thèm quan tâm đến số phận sản phẩm của mình thì người tiêu dùng chả có lý do gì để tin tưởng vào những hứa hẹn và cam kết của họ.
Chai trà có vấn đề ở Khánh Hòa: 10 tháng giải quyết chưa xong
SỐNG VÀ SỢ
Đây là cảm nhận của facebook Khánh Vân Trần về những nỗi sợ của người Việt trong cuộc sống, dù chỉ là cảm nhận nhưng người viết gửi rất nhiều thông tin chi tiết và rất đáng quan tâm:
+CHÚNG TA ĐANG SỢ ĐIỀU GÌ?
Gần như chắc chắn, ai trong chúng ta đều có những nỗi sợ.
Con trai nhỏ thì sợ ma, lớn lên thì sợ vợ. Con gái sợ con sâu con gián, lớn lên sợ mỡ bụng mỡ đùi. Nếu đàn ông thích chân dài ngực to thì phụ nữ lại sợ chân to ngực dài. Học trò đi học sợ làm bài không được thì ông thầy sợ bà thanh tra. Người nghèo sợ mai không có gì ăn, người giàu sợ cổ phiếu xuống giá. Dân thường sợ chiến tranh, dân buôn vũ khí sợ không ai đánh nhau.
Nhiều nỗi sợ lắm, nó biểu hiện ra mỗi người mỗi cách, mỗi nơi mỗi kiểu tuy đều mang tính cá thể hóa của mỗi cái nhân.
Xét một ví dụ, những người sợ các côn trùng nói chung, khi không tránh được thì bèn dùng mọi cách giết cho nó chết. Mục đích cuối cùng vẫn là để tránh đối đầu với nó mà thôi. Các nỗi sợ khác cũng không loại trừ.
Nhưng với những nỗi sợ vô hình thì biết tránh vào đâu. Tối qua, VTV1 quay bác Đam phó thủ tướng, bác í bẩu là, chỉ có 7-10% thực phẩm không an toàn thôi. em nghe mừng quá, mà chưa mừng xong thì bác í lại bẩu, “nhưng mà không biết cái 7-10% đó nó nắm ở đâu”.
Dạ, nếu thực sự có ít như thế thì cũng là đáng mừng bác ạ, còn nằm ở đâu ư, nó nằm ngay trong bụng chúng em đây chứ đâu, chả nhẽ nó nằm bên Trung Quốc? Nói vui thế thôi, chắc bác í và nhiều bác khác không có thời gian nghe đài đọc báo xem mạng nên không biết đấy, người dân bây giờ có một mẫu số chung của nỗi sợ, là vấn đề an toàn thực phẩm. Ăn thì chết, không ăn cũng chết, đâu có cách tránh đối đầu. Đành phải ăn thôi sao mà nhịn đói cho đến chết được.
Đâu phải ai cũng có điều kiện mua thực phẩm sạch rõ nguồn gốc, mà thực phẩm sạch lại còn bẩn hơn loại thường cũng không lạ gì. Vâng, cả xã hội nơm nớp và nem nép trước những thứ phải tống vào bụng hàng ngày, và dù nơm nớp vẫn cứ phải mà chẳng biết kêu sao.
Mới hôm kia thôi, việc mà cả thế giới đã làm rất lâu và rất bình thường, là tiêm vắc xin cho trẻ. Thế mà ở ta, có chuyện xếp hàng cả ngày xong về vì không thể có đủ cho mọi người, cho dù có tiền đi sớm cũng về không. Người có điều kiện hơn chút đành mang con qua tận Singapore thậm chí xa hơn để tiêm 1 mũi. Chung quy cũng từ nỗi sợ mà ra, không hẳn chỉ sợ Quinvaxem mà là sợ hãi cả cho cả tương lai thiếu an toàn của đứa trẻ.
Thế còn không ít người dù điều kiện chưa phải đã thật đủ đầy, vẫn phải cho con ra nước ngoài học và tìm cách ở lại bên cái “nước ngoài” đó, là vì sao? Hỏi cũng là đã trả lời: sợ một tương lai bất định thiếu an sinh cho thế hệ sau với những gì đang phải dung nạp hàng ngày là nỗi sợ to lớn nhất.
SỢ QUÁ THƯA CÁC QUAN DỰ ÁN
Chắc chắn, nếu có điều kiện tiếp cận dự án xây dựng cái chợ hoành tráng này ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, người ta sẽ ngấu nghiến đọc say mê những phân tích, giải trình, lý do, tính cấp thiết...và quy trình xây dựng.
Ngay lúc này khi vỡ chuyện, chắc chắn các quan dự án cũng đã đánh máy sẵn câu trả lời thênh thang, rộn ràng, mỡ màng về cái gọi là vì sao với lại vì răng.
+Được hoàn thành cách đây khoảng 9 tháng, chợ mới của trung tâm huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đạt tiêu chuẩn chợ loại 1. Chợ này nằm cách chợ cũ khoảng 500m về phía đông, có khuôn viên rộng trên 13.000m2, trong đó diện tích sàn gần 9000m2, gồm: nhà lồng chính 3 tầng, 2 nhà lồng phụ, dãy ki ốt... đảm bảo việc buôn bán cho 600 tiểu thương.
Tính đến thời điểm trưa ngày 26.12, công trình chợ mới xây của huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) chỉ có vỏn vẹn và duy nhất 1 người vào bán hàng giải khát.
Xây chợ hơn 55 tỷ đồng, chỉ... 1 người vào bán
VỪA VÀO TRẬN ĐÃ..XIN LỖI
Tôi cho đây là bài viết rất tử tế về quá trình đổi mới của ngành giáo dục nước nhà, những góp ý, đánh giá chừng mực và chính xác, vấn đề là ngành giáo dục cần phải lắng nghe và thận trọng khi quá hưng phấn khi tự khen mình:
+Xin lỗi ngay từ khâu “đột phá”
Trong công cuộc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Bộ GD-ĐT đã chọn khâu đổi mới thi cử là khâu "đột phá" đầu tiên và ví đây là trận mở màn cho một chiến dịch.
Tuy nhiên, đến khâu xét tuyển đã xảy ra tình trạng hỗn loạn xét tuyển nguyện vọng 1 vào một số trường đại học top đầu. Một cuộc chạy đua rút-nộp hồ sơ căng thẳng chưa từng có trong lịch sử tuyển sinh ĐH.
Hạ tầng công nghệ chưa đạt yêu cầu làm trang công bố điểm thi bị nghẽn thời gian dài, khiến xã hội bức xúc. Đặc biệt, việc kê khai hồ sơ nhiều sai sót dẫn đến việc hàng loạt thí sinh nhập học cả tháng trời mới biết mình rớt đại học.
Khi sự việc xảy ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhận phần trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp. "Thay mặt Bộ, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này", ông Luận nói.
Những thiếu sót đáng tiếc trong đổi mới giáo dục
+Thêm điều này nữa: Văn bản quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có quy định giáo viên muốn nâng bậc lương buộc phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2.
Dù theo chỉ đạo từ Hiệu trưởng thì đây là quy định không ép buộc mà ai có nhu cầu thì đi học.
Nhưng đối với giáo viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng sư phạm, đã liên thông lên cao đẳng, đại học nhưng vẫn đang nhận mức lương theo hệ trung cấp, cao đẳng, khi muốn nâng lương lên, họ phải có chứng chỉ ngoại ngữ A2 để hoàn thiện hồ sơ”.
Cô cho biết thêm, tổng số giáo viên của trường là hơn 30 người thì hiện đã có 10 giáo viên đi học. Cô chia sẻ: “Nếu là kiểm tra chuyên môn thì không nói nhưng đằng này lại thi trình độ tiếng Anh nên nếu học thật và thi thực chất thì chỉ đỗ được 1%”.
Tại sao cứ làm khổ nhau vậy thưa Bộ: Câu hỏi đặt ra rằng, việc Bộ GD&ĐT đòi hỏi một tờ chứng chỉ là cơ sở để tăng lương giáo viên. Điều này có nâng cao được trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm của các nhà giáo hay lại tạo điều kiện cho cơ chế mua – bán bằng cấp, chứng chỉ hoành hành?
Quy định tréo ngoe, giáo viên "vắt chân lên cổ" học chứng chỉ tiếng Anh A2
VÀ NHỮNG TIN KHÁC
*Có 74 cơ sở y tế tại TP.HCM sẽ chích vắc xin dịch vụ ‘5 trong 1’
*Sau khi báo cáo Chính phủ và được chấp thuận về chủ trương, tới đây, Tổng công ty viễn thông MobiFone sẽ tiến hành đầu tư vào lĩnh vực truyền hình.
MobiFone được phép đầu tư truyền hình
*Trung Quốc xây nhà máy điện hạt nhân sát biên giới Việt Nam
*Thực hư chuyện “Thánh nữ từ thiện” bị tố “ăn chặn” tiền từ thiện
*Ông Denver Shannon - cựu binh Mỹ - tìm đến gia đình liệt sĩ Lê Văn Cứng (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) trao trả kỷ vật mà ông gìn giữ suốt 46 năm qua.
46 năm giữ kỷ vật của đối phương
*Sống xa hoa trong sự nghèo khổ của cộng đồng là bất nhẫn!
*Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát có dám cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng?
Status trên Facebook:
*CHUYÊN NGHỀ CỦA LUẬT SƯ.
Trong đám đông đang xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt ở một nhà băng, một người tự nhiên đấm đấm vào lưng người đứng trước.
Giật mình, người đàn ông quay lại, chau mày: “Anh làm cái trò khỉ gì thế?”
“À, ông biết đó, tôi là bác sỹ trị liệu, tôi thấy rõ ràng là ông đang căng thẳng nên tôi phải massage lưng cho ông một tí. Thỉnh thoảng tôi vẫn hay thể hiện chuyên môn của mình như thế.”
“Thật là điều ngu xuẩn chưa từng thấy”, người đàn ông nói, “Tôi là luật sư. Vậy theo anh thì tôi cũng phải bóp hầu bóp họng người đứng trước à?”
*Có 1 thanh niên trẻ tuổi hỏi vị thiền sư:
- Thưa ngài, có người nói tôi là 1 thiên tài nhưng cũng có người mắng tôi là đồ đại ngốc. Vậy theo thiền sư tôi là người thế nào?
Thiền sư hỏi lại người thanh niên:
- Vậy người đối đãi thế nào với chính bản thân mình?
Người thanh niên nghe xong câu hỏi cảm thấy mờ mịt.....Thiền sư giảng :
- "Ví dụ 1 kg gạo, trong mắt người đầu bếp nó sẽ là mấy bát cơm. Nếu ở trong con mắt của thợ làm bánh thì nó sẽ là mấy chiếc bánh nướng. Trong con mắt của người nấu rượu thì nó là rượu, nhưng gạo vẫn chính là gạo đấy thôi. Cũng giống như vậy, người vẫn là ngươi, có được bao nhiêu tiền đồ là do ngươi đối đãi với bản thân mình như thế nào".
Người thanh niên nghe xong cảm thấy thông hiểu, rộng mở...
*CHỦ NHẬT CUỐI CÙNG
Chủ nhật cuối cùng của năm tây
Mưa đã tạnh rồi, rét còn đây
Chỉ một mình ta ngồi tính sổ
Năm cũ vèo qua theo gió mây
Dăm câu thơ lẻ, truyện ngắn dài
“Nhà” nọ, “nhà” kia, ta là ai?
Em vẫn vô tư đùa trong mộng
Ta vẫn mình ta như ngô khoai
Chầm chậm lại đi chủ nhật à!
Vẫn biết cuối cùng năm cũ qua
Vẫn biết chẳng bao giờ trở lại
Thì cứ dùng dằng đây với ta…
Chủ nhật cuối cùng năm nay ơi!
Nắm tay cố giữ, vuột mất rồi
Ngày mai sẽ trở thành ngày cũ
Chới với mình ta gọi ời ời…