Sẽ xem xét, bãi miễn tư cách ĐBQH của bà Châu Thị Thu Nga
Sáng 19/5 Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố chương trình kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIII.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TS. Nguyễn Sĩ Dũng, vì là kỳ họp giữa năm nên sẽ có một khối lượng luật “khổng lồ” sẽ được Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến đối với 15 dự án luật. Trong đó nhiều luật sẽ trực tiếp cụ thể hóa, triển khai các quy định mới của Hiến pháp năm 2013.
11 dự án luật Quốc hội sẽ xem xét trong kỳ họp thứ 9, gồm: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật kiểm toán Nhà nước (sửa đổi); Luật ban hành văn bản pháp luật; Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)… Bên cạnh đó, Quốc hội cũng tiến hành xem xét, thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông báo nội dung kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sáng 19/5 |
Bên cạnh đó, Quốc hội dành thời gian cho ý kiến 15 dự án luật quan trọng, trong đó có Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật an toàn thông tin; Luật phí, lệ phí; …
Do đây là kỳ họp giữa năm nên Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận, cho ý kiến các báo cáo về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách năm 2014. Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, hầu hết tất cả chỉ tiêu kinh tế xã hội Quốc hội đề ra trong năm 2014 như tăng trưởng, lạm phát… đều đã đạt được mục tiêu, trừ chỉ tiêu về đào tạo là không đạt.
Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến, xem xét và thông qua 1 số Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng sẽ được Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết tại kỳ họp này.
Dù Chính phủ chưa có tờ trình, nhưng trong chương trình kỳ họp thứ 9, Văn phòng Quốc hội cũng đã “thiết kế” để Quốc hội nghe báo cáo và có ý kiến về sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội.
Đáng chú ý, cũng tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với ĐBQH Châu Thị Thu Nga (Đoàn Hà Nội) vừa bị khởi tố. Thông tin thêm, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đây là sự đáng tiếc khi Quốc hội đang muốn tăng cường số lượng ĐBQH là nữ.
Dù bà Châu Thị Thu Nga chưa bị tòa tuyên án, nghĩa là chưa có tội, song việc xem xét, đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà được đưa ra trên cơ sở điều 56 Luật tổ chức Quốc hội.
“Bà Nga đã mất uy tín trong nhân dân, cử tri nên vừa rồi Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị Quốc hội xem xét, bãi miễn tư cách ĐBQH theo đúng quy định của pháp luật”- ông Phúc nói.
Hồi đầu tháng 1/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, tạm giam bà Nga (50 tuổi) để điều tra tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi triển khai dự án nhà chung cư - biệt thự B5 Cầu Diễn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra từ ngày 20/5/2015 đến 26/6/2015.