Sẽ sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng sáng nay, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) nêu hiện nay, người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông, nhiều người gọi là báo chí nhân dân.
Trong đó có nhiều trang mạng xấu độc nhưng có một lượng độc giả lớn hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội, ví dụ trường hợp Khá Bảnh.
“Bộ trưởng cho biết, giải pháp nào để giải quyết bất cập nêu trên, không bị động để xử lý hậu quả?”, ĐB chất vấn.
Sớm có quy định xử lý tin giả, xấu độc
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, câu chuyện tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyện mang tính toàn cầu, không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện với câu chuyện tin sai sự thật, tin xấu trên mạng xã hội.
ĐB Lê Công Nhường: Người dùng mạng xã hội có thể tạo ra một cơ quan truyền thông |
Theo Bộ trưởng vấn đề này nói trong 3 phút thì rất là khó. Vì vậy, Bộ trưởng điểm lại một số ý chính.
“Tôi nghĩ lần đầu tiên là hành lang pháp lý, chúng ta đã có luật An toàn thông tin và luật An ninh mạng, thế nhưng tất cả các quốc gia đều phải có một quy định riêng trong chuyện xử lý tin giả”, người đứng đầu ngành TT&TT nói.
Ông dẫn chứng một số nước trong khu vực gần đây đã ra một luật về xử lý tin giả như Singapore quy định, người tung tin giả không phải phạt vài chục triệu, có thể phạt đến hàng triệu đôla, phải đi tù; thậm chí một số quốc gia, người đứng đầu mạng xã hội nếu vi phạm cũng phải đi tù.
Bộ trưởng cho rằng, chúng ta phải ban hành những quy định nghiêm khắc như vậy. “Thủ tướng đã giao cho Bộ Công an và chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với nhau để sớm có quy định của pháp luật về xử lý vấn đề tin giả”.
Ngoài ra, Bộ trưởng TT&TT cũng lưu ý, hiện nay chúng ta gặp vấn đề tin giả tin xấu độc chủ yếu trên các nền tảng xã hội nước ngoài như facebook và google; còn các nền tảng trong nước thì cơ bản quản lý được.
Bộ TT&TT đã có nhóm làm việc chuyên trách làm việc cùng với tổ Tổng cục Thuế cùng với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước làm việc thường xuyên với hai nền tảng này hàng tháng.
“Mục tiêu của chúng ta đặt ra là tuân thủ pháp luật của những nền tảng này, trong đó có yêu cầu rất quan trọng là có thể tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội là không xác định danh tính, cho nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, các nền tảng mạng xã hội phải có công cụ tự động để khi những tin xấu độc đã được định nghĩa tự động xóa bỏ. Đồng thời, chúng ta hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để gỡ bỏ những thông tin xấu độc.
“Cũng phải nói thật là, cái xấu độc từ đâu mà ra, cũng có khi từ chính chúng ta mà ra”, tư lệnh ngành TT&TT nhận định.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cái xấu độc từ đâu mà ra, cũng có khi từ chính chúng ta |
Vì vậy, ông cho rằng, vấn đề giáo dục nâng cao nhận thức sống, trên không gian mạng rất quan trọng. Việc này, bộ đã làm việc với Bộ GD-ĐT sẽ đưa giáo dục kỹ năng sống với không gian số vào trường phổ thông.
Dislike với tin xấu độc
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Bộ trưởng nói tốt nhất là đừng xem thông tin xấu, độc trên mạng, nhưng khi người sử dụng mạng không xem làm sao biết nó là xấu. Vấn đề là người đọc tin trên mạng xã hội phải tự bảo vệ mình, phải biết phân biệt được cái nào đúng cái nào sai....
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải thích lại: “Ý tôi không xem là như thế này: Chúng ta xem 1 lần thì chúng ta cũng biết rằng cái trang đấy, tờ đấy, người đấy nói về cái gì là chính. Tất nhiên chúng ta vẫn phải xem 1 lần, 1 vài lần”.
Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm, một lần xem xong thì có phần dislike (không thích), chúng ta cũng nên thể hiện thái độ.
“Trong đời thực một người làm việc xấu thì 1 ánh mắt nhìn thôi là đã làm cho ngăn chặn được hành động đấy rồi. Trong không gian mạng thì không có ánh mắt nhìn, chúng ta có hành động dislike. Chúng ta cũng nên cũng nên thể hiện thái độ, tức là mỗi một cá nhân, mỗi người phải có cách để đấu tranh với cái xấu, cái độc”, Bộ trưởng TT&TT nhấn mạnh.