Sây bay Long Thành: Cắt giảm 2,6 tỷ USD chỉ sau một kỳ họp Quốc hội
Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án sân bay Long Thành sáng 26/2 (Ảnh: ND) |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu khi Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án sân bay Long Thành sáng 26/2.
Sau khi rà soát, quỹ đất thu hồi cho dự án sân bay Long Thành đã giảm từ hơn 5 nghìn ha xuống còn hơn 2 nghìn ha. Từ đó tổng mức đầu tư cũng được cắt giảm theo. Cụ thể sau khi chính phủ rà soát tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án từ 5,2 tỷ USD đã cắt giảm khoảng 2,6 tỷ USD so với dự toán trình Quốc hội. Trong đó cơ cấu nguồn vốn ODA 1,3 tỷ USD (chiếm 26,53%), vốn ngân sách nhà nước 578,3 triệu USD (chiếm 11,05%)...
Cho ý kiến về dự án này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng quỹ đất thu hồi phục vụ cho dự án rất nhiều. Vậy khi người dân di dời, ngoài vấn đề tái định cư thì họ phải làm gì để sinh sống? Theo ông Ksor Phước, vấn đề này chưa thấy báo cáo cụ thể, và cần phải làm rõ hơn.
Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt ra nhiều vấn đề cần được tháo gỡ để báo cáo Quốc hội. Liên quan đến việc sân bay Long Thành trung chuyển tới 3 nước, tuy nhiên giới chuyên gia lại cho rằng, khả năng sân nay này chỉ trung chuyển quốc tế được 1 nước. Vậy vai trò của sân bay Long Thành thế nào, trong khi lượng hành khách nội địa chiếm tỷ lệ nhỏ? Sân bay Long Thành có đạt 100 triệu hành khách như mục tiêu đặt ra không?
Vấn đề trật tự ưu tiên đầu tư rất cần thiết trong bối cảnh nguồn vốn đang hết sức khó khăn hiện nay. Lĩnh vực giao thông luôn được Quốc hội ưu tiên, nhưng theo ông Hiển, ngay trong ngành giao thông cũng cần có sự ưu tiên cho từng lĩnh vực. Cả đường bộ Bắc Nam, đường sắt, rồi đường thủy, hàng không…lĩnh vực nào cũng đang cần một lượng vốn đầu tư lớn. Vậy chúng ta phải sắp xếp trong trật tự ưu tiên nào? Sân bay Long Thành làm ngay hay làm sau?
Ngoài ra vấn đề cơ chế tài chính cũng cần phải được tính đến. Sân bay Long Thành sẽ cấp vốn không hoàn lại hay như một doanh nghiệp để kinh doanh. Theo ông Hiển, dù nguồn tiền nào thì cuối cùng cũng là tiền ngân sách, kể cả nguồn vốn ODA. Nguồn ngân sách liên quan đến nợ công, vì thế cần phải xem hiệu quả quả đầu tư như thế nào?
Giải đáp những băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, sân bay Long Thành là điểm trung chuyển tới nhiều quốc gia chứ không chỉ có 3 nước. Về lĩnh vực ưu tiên, theo Bộ trưởng Thăng điều này cũng được xây dựng trong chiến lược trình tự ưu tiên. Cụ thể lĩnh vực đường sắt, chỉ ưu tiên phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường thủy tập trung vào khu vực ĐBSCL và ĐBSH, riêng lĩnh vực hàng không chỉ tập trung quan đâm đầu tư sân bay Long Thành.
Về tổng số 30% vốn đầu tư của dự án từ nguồn vốn ngân sách, theo Bộ trưởng Thăng con số này sẽ được làm rõ trong báo cáo tiền khả thi. Dự kiến nếu bán toàn bộ sân bay Phú Quốc, sẽ dùng nguồn vốn này đầu tư và sẽ không cần đến tiền ngân sách nhà nước cho sân bay Long Thành nữa. Bộ trưởng Thăng cũng tự tin về hiệu quả của sân bay Long Thành, vì các dự án cảng hàng không đều làm ăn có lãi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan chủ trì tiếp tục hoàn thiện phương án thu hồi đất. Đồng thời phải giải thích tại sao trước đây dự kiến 5 nghìn ha, giờ lại chỉ thu hồi 2 nghìn ha mà vẫn triển khai được? Bà Phóng cũng đề nghị phải xây dựng các đề án riêng, như đề án di dân tái định cư, đề án chuyển đất dự án quốc phòng, và cần phải có một đề án về môi trường.
Cuối buổi làm việc, chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ và có báo cáo bổ sung vai trò trung chuyển sân bay Long Thành như thế nào. Điều này nhằm làm rõ mục đích của sân bay Long Thành là trung chuyển hay giải quyết quá tải nội địa.
Tổng đầu tư dự án cũng cần rà soát để đảm bảo tính chính xác. Khi Quốc hội thảo luận 1 lần, tổng mức đầu tư đã giảm, nhưng mức giảm đó rơi vào lĩnh vực nào thì cần phải làm rõ. “Qua một phiên họp, mức đầu tư đã được cắt giảm, vậy kỳ này nếu rà soát kỹ nữa thì tổng mức đầu tư có giảm xuống nữa hay không?”.
Ngoài ra, bà Ngân cũng đề nghị phải làm rõ cơ chế tài chính cho dự án từ nguồn vốn ODA, ngân sách nhà nước, và cần xem mức đầu tư từ ngân sách tối đa bao nhiêu, có thể giảm bao nhiêu nếu huy động từ các nguồn vốn khác?...
Do sân bay Long Thành là sân bay quốc tế lớn, nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với Bộ Quốc phòng phải dành quỹ đất cho quốc phòng tại đây.