Sắp xét xử lần 3 vụ chiếm đoạt tài sản tại SHB Đà Nẵng
Thông báo của VKSND TP Đà Nẵng giữ nguyên quan điểm truy tố - Ảnh: HC |
Kết luận điều tra bổ sung không có gì mới
Đây cũng là lần thứ 3 TAND TP Đà Nẵng mở phiên toà này, sau hai phiên toà bị hoãn vào ngày 27/9 và 26/10/2012. Nếu phiên toà hôm 27/9/2012 bị hoãn chỉ sau vài phút làm thủ tục do luật sư Huỳnh Hoài Nam (Văn phòng LS Giang Nam thuộc Đoàn LS Đà Nẵng) bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Lê Nữ Dạ Thảo vắng mặt không có lý do thì phiên toà thứ hai dù đã kéo dài suốt từ 8g sáng đến 4g30 chiều 26/10/2012 nhưng cuối cùng vẫn bị hoãn.
Theo đó, Hội đồng xét xử TAND TP Đà Nẵng thống nhất trả hồ sơ cho VKSND TP Đà Nẵng, yêu cầu tiến hành điều tra bổ sung việc tại phiên toà, bị cáo Lê Nữ Dạ Thảo cho rằng chưa được đối chiếu số tiền thu hồi được cũng như số tiền bị cáo này gây thiệt hại và không chấp nhận số tiền mà VKSND TP Đà Nẵng truy tố. Vì vậy cần phải điều tra làm rõ, cho bị cáo đối chiếu với Chi nhánh SHB Đà Nẵng. Ngoài ra, trong quá trình xét hỏi, số liệu giữa cáo trạng do Viện KSND TP Đà Nẵng truy tố với số liệu của Chi nhánh SHB Đà Nẵng cung cấp tại phiên toà không trùng khớp với nhau nên cần phải điều tra làm rõ.
Đặc biệt, thẩm phán Lê Thị Ngọc Hà, chủ toạ phiên toà nhấn mạnh: "Quá trình xét hỏi cho thấy giữa lãnh đạo và các cá nhân có liên quan của Chi nhánh SHB Đà Nẵng tham gia vào chủ trương sử dụng nguồn vốn của ngân hàng (NH) SHB, nhờ người thân của các cá nhân nộp vào ngân hàng khác để khai thác chênh lệch lãi suất là trái với quy định của SHB nói riêng và trái với quy định của NH Nhà nước nói chung. Đồng thời đã chỉ đạo việc hợp thức hoá các chứng từ kế toán, làm trái với Luật Kế toán. Hành vi trên đây của lãnh đạo và các cá nhân liên quan ở Chi nhánh SHB Đà Nẵng là có dấu hiệu cố ý làm trái, do đó đề nghị điều tra để làm rõ".
Sau khi VKSND TP Đà Nẵng có Quyết định 11/2012/QĐ-KSĐT (ngày 9/11/2012) trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo yêu cầu của TAND TP Đà Nẵng, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an Đà Nẵng) đã tiến hành điều tra và có Kết luận điều tra bổ sung vụ án số 03/PC46 (ngày 4/12/2012). Tuy nhiên đối chiếu với kết luận điều tra đã có trước đó thì "kết luận điều tra bổ sung" hầu như không bổ sung thêm điều gì mới.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng cho rằng không xem xét trách nhiệm hình sự của Giám đốc Chi nhánh SHB Đà Nẵng Lê Văn Hiển là thoả đáng! - Ảnh: HC |
Không xem xét trách nhiệm hình sự của lãnh đạo SHB Đà Nẵng là thoả đáng?
Đáng chú ý, khi đề cập đến vai trò của "lãnh đạo và các cá nhân có liên quan của Chi nhánh SHB Đà Nẵng" trong vụ án này, Kết luận điều tra bổ sung số 03/PC46 nêu: "Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra xác định Lê Văn Hiển - Giám đốc và Lê Thị Hồng Phương - Phó giám đốc Chi nhánh SHB Đà Nẵng sử dụng nguồn vốn 22 tỉ đồng của NH SHB chuyển vào tài khoản cá nhân Lê Tấn Nam Kha (em ruột bị cáo Lê Nữ Dạ Thảo) để hợp đồng gửi vào NH Nam Việt khai thác chênh lệch lãi suất là trái với Quyết định 118/QĐ-HĐQT (ngày 3/6/2012) của HĐQT SHB".
Tuy nhiên kết luận điều tra bổ sung này biện giải: "Đây là văn bản do Hội sở ban hành nhằm quản lý các hoạt động đối với trong nội bộ hệ thống NH SHB. Đối với việc lập chứng từ, hợp thức các nghiệp vụ kế toán cho hợp đồng cầm cố giấy tờ có giá kiêm khế ước nhận nợ số 363/HĐCC-SHBĐN ngày 21/6/2010 giữa Lê Tấn Nam Kha và SHB Đà Nẵng cũng chỉ để hoàn chỉnh thủ tục, chứng từ kế toán cho hợp đồng cầm cố nói trên".
Kết luận điều tra bổ sung số 03/PC46 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng còn cho rằng: "Các quy định của Luật Kế toán năm 203, Nghị định 185/2004 ngày 4/11/2004 của Chính phủ quy định về chứng từ kế toán không mang tính điều chỉnh trực tiếp đến hành vi làm sai của lãnh đạo Chi nhánh SHB Đà Nẵng trong việc sử dụng nguồn vốn NH đưa đi gửi để khai thác chênh lệch lãi suất. Hành vi trên chưa thấy điều chỉnh bởi văn bản quy định nào của Chính phủ và NH Nhà nước để làm cơ sở cho việc xử lý về hành vi cố ý làm trái".
Mặt khác, Kết luận điều tra bổ sung số 03/PC46 nêu: "Ngân hàng SHB là loại hình doanh nghiệp thương mại cổ phần, có cơ cấu vốn cổ đông của doanh nghiệp nhà nước 12,459%, các tổ chức kinh tế 29,140%, các cổ đông khác 58,401%. Do đó việc quản lý, sử dụng vốn của Chi nhánh SHB Đà Nẵng được thực hiện theo quy chế và điều lệ của Hội sở SHB. Hành vi của Lê Văn Hiển và Lê Thị Hồng Phương chỉ nhằm mang lại lợi nhuận cho SHB. Trong quá trình thực hiện để xảy ra hậu quả mất đi hơn 9,3 tỉ đồng vốn thuộc sở hữu của SHB đã được HĐQT trích quỹ dự phòng để khắc phục hậu quả và có văn bản đề nghị cơ quan điều tra xem xét đối với những cán bộ, nhân viên liên quan".
Từ những nhận định trên, Kết luận điều tra bổ sung số 03/PC46 cho rằng: "Cơ quan điều tra đã có Kết luận điều tra số 20/PC46 ngày 12/4/2012, Kết luận điều tra bổ sung số 36/PC46 ngày 30/7/2012 và VKSND TP Đà Nẵng có Cáo trạng số 14/2012/CT-VKS-P1 ngày 22/8/2012 không đề cập đến trách nhiệm hình sự của Lê Văn Hiển, Lê Thị Hồng Phương là thoả đáng và có cơ sở".
Sau khi có Kết luận điều tra bổ sung số 03/PC46, ngày 26/12/2012, VKSND TP Đà Nẵng cũng đã có Thông báo số 24/2012/VKS-P1 nêu: "Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án và nội dung Kết luận điều tra bổ sung số 03/PC46, VKSND TP Đà Nẵng giữ nguyên quan điểm truy tố tại nội dung bản Cáo trạng số 14/2012/CT-VKS-P1 ngày 22/8/2012".
Dư luận đang chờ xem TAND TP Đà Nẵng trong phiên toà vào ngày 24/1 tới sẽ có phán xử như thế nào trước việc các kết luận, quan điểm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng và VKSND TP Đà Nẵng đều trái ngược với nhận định của Hội đồng xét xử khi hoãn phiên toà ngày 26/10/2012, trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.