Sáp nhập ngân hàng: Sẽ có “nhiều kịch tính”
Nhận định này được Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (sau đây gọi tắt là Ủy ban) đưa ra trong bản báo cáo tình hình kinh tế tháng 3 và quý I/2015 vừa được cơ quan này công bố ngày 2/4.
Theo đánh giá của Ủy ban, xu hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng diễn ra mạnh mẽ. Các thương vụ sáp nhập thời gian tới sẽ có nhiều điểm mới, kịch tính hơn và sẽ làm thay đổi thứ hạng, thị phần trên thị trường ngân hàng.
Thương vụ sáp nhập giữa Nam A Bank và Eximbank sẽ rõ ràng sau kỳ họp đại hội cổ đông của 2 ngân hàng vào trung tuần tháng 4 này. |
Đánh giá của Ủy ban nhận được chú ý khi cả năm 2014 vừa qua không có một thương vụ sáp nhập ngân hàng nào được công bố thành công. Thêm vào đó, tới đây khi đại hội cổ đông thường niên của các ngân hàng thương mại đang bắt đầu vào “mùa”, hứa hẹn nhiều thương vụ sáp nhập sẽ được tỏ tường.
Đình đám nhất là các thương vụ giữa Nam A Bank và Eximbank có thể sẽ được sáng tỏ tại đại hội cổ đông của 2 ngân hàng này diễn ra vào trung tuần tháng 4 này. Bên cạnh đó, các thương vụ ngân hàng lớn “ôm” nhà băng nhỏ được đồn đoán lâu nay, như VietinBank “ôm” PGBank, Vietcombank “ôm” SaigonBank… cũng sẽ được sáng tỏ.
Do quá trình tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ, nên Ủy ban dự báo, lợi nhuận hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng giảm. Thống kê của cơ quan giám sát tài chính quốc gia cho thấy, năm 2014 lợi nhuận bình quân hệ thống ngân hàng giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban, lạm phát cơ bản cả năm 2015 sẽ chỉ ở ngưỡng 3,5%. Theo đó, trong điều kiện giá lương thực, năng lượng thế giới được dự báo giảm trong năm 2015, khả năng đạt mục tiêu 5% về lạm phát tổng thể sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức điều chỉnh giá điện.
Ủy ban tính toán, giá điện tăng 7,5% sẽ làm lạm phát cả năm 2015 tăng thêm khoảng 0,5%.
“Lạm phát thấp là điều kiện cơ bản để NHNN có thể giảm mặt bằng lãi suất”- Ủy ban dự báo. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, lãi suất có thể sẽ chịu áp lực từ gia tăng phát hành trái phiếu Chính phủ, nhất là khi trong năm 2015 việc phát hành trái phiếu chính phủ sẽ chỉ thực hiện đối với kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Theo kế hoạch năm 2015, Chính phủ sẽ phát hành 232.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tăng 7,7% so với năm 2014.
Ngoài ra, trong điều kiện USD lên giá so với các đồng tiền khác và xuất khẩu tăng chậm (quý I/2015 chỉ tăng 6,9%), lãi suất có thể phải duy trì để ổn định tâm lý thị trường.