Sáp nhập huyện, xã: Không có lý do gì TP đầu tàu lại là 'đuôi tàu'
Chỉ còn ít ngày nữa là hết năm 2019, cũng là hết hạn các địa phương cơ bản hoàn thành việc sáp nhập huyện xã theo lộ trình mà Nghị quyết 37/2018 của Bộ Chính trị cũng như kế hoạch thực hiện của Chính phủ nêu rõ trong Nghị quyết 32/2019.
Cụ thể, Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị đưa ra lộ trình năm 2019: “Cơ bản sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Đồng thời, sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp và giải quyết chế độ, chính sách đối với những đối tượng bị tác động do sắp xếp các đơn vị hành chính”.
Còn Nghị quyết 32 của Chính phủ cũng nêu rõ: “Trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của các cơ quan, tổ chức, đơn vị do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 31/12/2019”.
Điều này có nghĩa là các địa phương phải xây dựng đề án sắp xếp huyện, xã gửi về Bộ Nội vụ thẩm định để Chính phủ trình UB Thường vụ QH thông qua tất cả các đề án trong năm nay.
Hiện, Bộ Nội vụ đã hoàn tất việc thẩm tra tất cả đề án các địa phương gửi về. Chính phủ đã trình UB Thường vụ QH đề án của 23 tỉnh và đã có 21 đề án được thông qua. Một số đề án còn lại sẽ được Chính phủ trình UB Thường vụ QH thông qua trong nay mai để kịp lộ trình đề ra.
Thế nhưng, theo tổng hợp của Bộ Nội vụ, đến thời điểm hiện nay vẫn còn một số địa phương chưa gửi đề án lên Bộ để thẩm định. Trong đó, đa số đang chờ kỳ họp HĐND thông qua đề án và hoàn thiện gửi Bộ Nội vụ.
Riêng UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Nội vụ đề nghị lùi thời hạn sắp xếp sang năm 2020, sau khi tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.
Cuối tháng 11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong có công văn gửi Thủ tướng và Bộ Nội vụ xin được gia hạn thời gian trình đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã sang năm 2020.
Lý do ông đưa ra là trong năm 2019, TP.HCM cần tập trung thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của TƯ, Thành ủy, HĐND, trong đó có việc tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thực hiện cải cách hành chính, đề án Đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020.
Ngoài ra, ông cho biết do yếu tố lịch sử để lại, TP.HCM còn tồn tại mô hình tự quản ở các khu dân cư, chưa thống nhất với quy định của TƯ.
TP.HCM là 1 trong 4 địa phương ngay từ đầu đề nghị chưa sắp xếp huyện xã trong năm 2019. Sau đó, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi các tỉnh, thành này đề nghị thực hiện sắp xếp theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.
Thậm chí đích thân Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn làm việc trực tiếp với lãnh đạo của từng địa phương và nhấn mạnh: “Quan điểm nhất quán là phải thực hiện, không thể bàn lùi".
Sau đó, các tỉnh đã hoàn thành đề án và gửi Bộ Nội vụ thẩm định đúng hẹn, trừ TP.HCM.
Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa là địa phương có số lượng sắp xếp, sáp nhập huyện xã nhiều nhất nước lại là nơi tiên phong trình đề án sớm nhất, được UB Thường vụ QH thông qua đầu tiên và gần như đã “về đích” trước hạn so với lộ trình Bộ Chính trị và Chính phủ đề ra.
Một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đang được Bộ Nội vụ và các tỉnh, thành rốt ráo thực hiện cho kịp tiến độ thì không có lý do gì TP.HCM - một TP năng động, đầu tàu của cả nước lại thành "đuôi tàu" trong sáp nhập huyện xã và trở nên “một mình một chợ” như vậy.
Thu Hằng/VNN