Sẵn sàng đánh người vì “nghi ngờ bắt cóc”- Tình người đã cạn kiệt?
Chiếc xe ô tô bị đốt ở Hải Dương vì nghi ngờ chủ nhân "đánh thuốc mê, bắt cóc" |
Đám đông mất lý trí
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet về vấn đề này, Ths tâm lý Nguyễn Hà Thành (giảng viên trường ĐH FPT) cho rằng, hai sự việc gần đây nhất (đốt xe oto của hai người đàn ông vào mua đồ gỗ ở Hải Dương và đánh bầm dập hai phụ nữ bán tăm bông ở Sóc Sơn Hà Nội) bắt nguồn từ những thông tin trước đó cho rằng có hiện tượng bắt cóc trẻ em, mổ lấy nội tạng bán làm cho người dân trở nên quá nhạy cảm.
Khi mà có thông tin, họ chẳng kiểm chứng được nhưng trực giác quá mạnh đến mức họ cứ nghĩ ra việc đó đã xuất hiện ở địa phương mình. Vì thể chỉ cần một người kêu ầm lên là tất cả… lao vào.
“Giống như việc trước đó rất nhiều người nói về việc bắt cóc trẻ em rồi nên bản thân mình cảm thấy cần cảnh giác hơn. Nên khi một người nào đó chỉ cần nhắc đến, tất cả mọi người quá đỗi cảnh giác và phòng vệ nên lúc đó hành xử không còn lý trí nữa.
Và đám đông ấy sẽ bị ảnh hưởng và nhân lên gấp nhiều lần bởi vì khi họ chỉ cần nghe được một câu “bắt cóc trẻ con này” vậy là đám đông ấy như phát hiện ra tội phạm nên tất cả đều hùng hổ lên gấp mấy lần so với con người bình thường hàng ngày của họ”- Ths Hà Thành phân tích.
Ths tâm lý Nguyễn Hà Thành |
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Ths Hà Thành, hàng ngày người ta tiếp nhận rất nhiều luồng thông tin, nhưng thông tin xấu – những thông tin khiến họ cảm thấy bất an, làm cho người ta phải phòng ngự khiến người ta ấn tượng, nhớ hơn và thường trực hơn. Do đó, khi mà thực tế có bất kỳ tín hiệu nào gần với những thông tin mà người ta đã đọc, đã nghe đã sợ hãi, lo lắng thì sẽ phản ứng lại một cách dữ dội mà thôi.
“Mà khi đã vào đám đông rồi thì trí thông minh của đám đông xuống thấp, người ta chỉ còn phản ứng theo phản xạ. Người ta tin vào những tin đồn đấy và muốn chứng tỏ mình là anh hùng, góp phần đánh tan thế lực xấu…
Đặc biệt, khi quá sợ hãi người ta sẽ liên kết lại để chiến đấu cái ác và họ nghĩ mình giống như anh hùng chuẩn bị “giải phóng con người khỏi cái xấu”. Vì thế, họ nghĩ đơn giản là đang góp phần làm một việc tốt, đang góp phần xóa đi kẻ xấu, trừng phạt những kẻ xấu mà thôi”- Ths Hà Thành nêu.
Nhiệt tình+ngu dốt= phá hoại
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia tâm lý này thì đó thực ra chỉ là sự “nhiệt tình + ngu dốt = phá hại”. Bởi chính là cái mong muốn “giải phóng con người khỏi cái xấu” nhưng lại không có đủ căn cứ để thực hiện thì vô tình lại gây nên phiền toái đối với họ và bức bối đối với xã hội.
Vẫn theo Ths Hà Thành thì có nhiều ý kiến cho rằng những vụ việc vừa qua là sự nhiệt tình thái quá…nhưng cá nhân bà lại cho rằng, nó là một cảnh báo đối với tất cả mọi người trong xã hội. Có quá nhiều tín hiệu trong xã hội khiến người ta không tin tưởng, không cảm thấy an bình, yên ổn cho nên chỉ cần một động thái … thì bình thường những người lý trí chẳng bao giờ hành động như vậy nhưng lúc đó họ cũng mụ đi, họ nghĩ rằng cần phải liên kết nhau lại để chống lại cái ác.
“Và tất cả đều tự cho mình quyền nhân danh công lý, tất cả cùng mù quáng chạy theo cùng hành động theo chứ lúc đó không quá lý trí nữa mà như là đang chuẩn bị góp phần trở thành anh hùng, góp phần lấy lại công lý. Nhưng tiếc rằng, cái lấy lại đó dựa trên cơ sở không có thật”- Ths Hà Thành nhấn mạnh.
Sự cảnh giác là điều hoàn toàn đúng, nhưng ngay cả khi họ tìm ra manh mối, thủ phạm (giả thiết là đúng) theo Ths Hà Thành, họ vẫn phải hành xử một cách lý trí nhất dựa trên quy định của pháp luật. Vì có thể văn hóa làng xã là ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt nên lúc đấy họ chỉ hành động theo đám đông như vậy thôi nhưng nếu xác định hành vi đó là phạm tội thì thể nào trong đám đông ấy vẫn được hình thành bởi những cá nhân, thì có thể những cá nhân ấy vẫn phải chịu tội trước pháp luật. “Cho nên, mỗi cá nhân nên chịu trách nhiệm với hành động của mình”- Ths Hà Thành nhấn mạnh.