Sẵn 'máu' kinh doanh liều mở nhà hàng quán ăn, nhiều bạn trẻ bị “bay” hàng trăm triệu đồng
Mở nhà hàng, quán ăn kinh doanh chưa bao giờ là câu chuyện khởi nghiệp dễ dàng, nhất là đối với các bạn trẻ. Và câu chuyện của những bạn trẻ khởi nghiệp bằng nhà hàng phở gia truyền hay quán ăn vặt dưới đây là một ví dụ.
Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp bằng nhà hàng, quán ăn |
Là người gốc Nam Định lên Hà Nội lập nghiệp, anh Nguyễn Văn Đức (26 tuổi) đã thuê một địa điểm ở quận Đống Đa để mở nhà hàng bán phở.
Với chút kinh nghiệm nấu món phở gia truyền Nam Định, anh Đức quyết định bỏ ra gần 20 triệu đồng mỗi tháng để thuê mặt bằng. Ban đầu vừa phải đặt cọc tiền thuê mặt bằng và trả trước 6 tháng, cộng với số tiền tu sửa quán, thuê nhân viên và trang thiết bị, tổng thiệt hại đã mất gần 400 triệu đồng.
Với số vốn bỏ ra cùng nhiều chi phí đi kèm, anh Đức quyết định bán bát phở của nhà hàng với giá 55.000 đồng.
“Mấy ngày đầu khai trương khách khá đông, nhưng sau đó thưa dần khiến suốt 3 tháng đầu kinh doanh, tôi không thu được đồng lãi nào cả. Nghĩ rằng, vì nhà hàng mới chưa nhiều người biết nên tôi nghĩ cách quảng cáo, khuyến mại thêm như tặng kèm đĩa quẩy khi ăn phở, giảm giá nếu đi nhóm đông từ 4 người... thế nhưng cũng chẳng ăn thua”, anh Đức kể.
Cố duy trì nhà hàng đến 1 năm nhưng tình trạng cũng không khá hơn, anh Đức quyết định đóng cửa nhà hàng và chịu lỗ hơn 700 triệu đồng.
Sau khi đóng cửa, tìm hiểu thêm, anh Đức mới hiểu ra vấn đề nhà hàng anh thuê ở vị trí chỉ đông người qua lại nhưng ít có nhu cầu dừng đỗ và nhất là giá bán phở quá cao so với mặt bằng chung của thị trường Hà Nội.
“Phở vốn là món ăn sáng bình dân của nhiều người, ngoài các quán nổi tiếng đã có thương hiệu, cũng có nhiều quán phở vỉa hè, chỉ có giá 25.000 hay 30.000 đồng/bát. Vì thế, khách hàng khó có thể chấp nhận mức giá mà nhà hàng tôi bán”, anh Đức chia sẻ.
Cũng có 'máu' kinh doanh như anh Đức, chị Thúy Hoài (ở Hà Nội) trước đây từng làm nhân viên kinh doanh cho một công ty tư nhân với mức lương khá ổn định, vì không muốn đi làm thuê mãi nên giữa năm 2019 quyết định bỏ công việc để mở cửa hàng bán đồ ăn vặt. Đối tượng khách hàng chị Hoài nhắm đến là nhân viên văn phòng, bạn trẻ và học sinh, sinh viên.
Vì thế, chị đã thuê một cửa hàng nhỏ xinh ở gần trường học tại phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) với giá thuê 18 triệu đồng cho mặt bằng chừng 30m2. Ban đầu cũng phải bỏ vốn hơn 250 triệu đồng để trả trước 6 tháng tiền thuê mặt bằng, trang trí quán, mua bàn ghế và dụng cụ bếp.
Thực đơn của quán khá phong phú từ các loại chè, trà sữa, đến các món ăn vặt như bánh trôi, nem chua rán, khoai lang kén... lại được chị Hoài để mức giá bình dân nên ngay khi mở quán đã khá đông khách là học sinh, sinh viên.
Dần dần các đơn hàng đặt online từ các nhân viên văn phòng cũng tăng dần. Chị Hoài cho biết đã phải thuê tất cả 10 nhân viên, với 2 ca làm việc một ngày, lương mỗi người 3,5 triệu đồng/tháng.
Chị Hoài chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, cứ đà này thì chả mấy mà thu hồi hết vốn và có lãi, nhưng đùng một cái dịch bệnh xảy ra vào đầu năm, hàng quán phải đóng cửa và cửa hàng của tôi cũng không phải ngoại lệ. Dù vẫn duy trì bán hàng bằng cách nhận đơn đặt online, qua điện thoại rồi thuê ship đến tận nơi cho khách nhưng cũng chẳng ăn thua”.
Mặc dù cũng được chủ nhà hỗ trợ 2 tháng thuê nhà nhưng chị Hoài cho hay, sau khi mở lại quán khách không còn đông nữa, học sinh sinh viên cũng không ăn nhiều như trước khi có dịch nên chị đã quyết định đóng cửa hàng và chịu lỗ hơn 100 triệu đồng.
Thảo Nguyên
Sẵn 2 tỷ đồng, vợ chồng tôi có nên đầu tư bất động sản ven đô?
Vợ chồng tôi có 2 tỷ đồng tiền nhàn rỗi đang gửi ngân hàng, chúng tôi đang muốn dùng số tiền này để đầu tư bất động sản vùng ven Hà Nội. Kênh đầu tư này liệu có ổn không?