Rùng mình với thịt "bẩn"
Những hành vi kinh doanh thiếu lương tâm của một bộ phận thương lái đã gây bức xúc cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến người chăn nuôi chân chính. Để có một thị trường thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, người dân luôn mong mỏi các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Một cơ sở mổ heo lậu tại huyện Thống Nhất bị công an phát hiện. |
Giết mổ tự phát
Vì hám lợi, nhiều người đã lập các lò mổ tự phát. Đáng nói, tại các lò mổ này, những kẻ làm ăn thiếu lương tâm thu gom luôn heo bệnh, heo chết tuồn ra chợ, khiến người tiêu dùng phải lãnh đủ.
Đồng Nai là một trong những địa phương có số lượng hộ chăn nuôi lớn nhất cả nước với khoảng 1,4 triệu con heo. Trong đó, huyện Thống Nhất là một trong những địa phương có số hộ nuôi heo tập trung đông. Đáng chú ý, tại địa phương này, thời gian qua các cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện các vụ giết mổ heo bệnh, heo chết để tuồn ra chợ bán.
Theo một số người dân địa phương, việc phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Thống Nhất và các vùng lân cận đã tồn tại hàng chục năm nay. Công việc đó đã giải quyết nhu cầu cuộc sống của hàng ngàn hộ dân. Cũng từ việc chăn nuôi, nhiều hộ đã mở cơ sở giết mổ heo để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân trong vùng.
Theo ông Nguyễn Văn Cường (hộ chăn nuôi ở ấp Nam Sơn, xã Quang Trung), nhiều hộ đã mở các lò mổ heo tự phát lợi dụng mua bán heo chết, heo bệnh từ các trại nuôi heo để trục lợi, gây bất bình cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết hiện phần lớn lò mổ tồn tại ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đều không được cấp phép, nhưng đều có sự kiểm soát của lực lượng thú y. Nhưng trên thực tế, hoạt động của các lò mổ này đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ngành thú y. Nhiều đối tượng đã vì lợi nhuận mà bất chấp, chế biến cả các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, như: heo bệnh, heo chết để bán ra thị trường.
Cùng nhận định này, ông Vũ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), cho biết các lò mổ này chỉ là những hộ buôn bán thịt nhỏ, lẻ tại các chợ trong vùng.
Rùng mình với thịt “bẩn”
Thời gian qua các lực lượng chức năng, như: quản lý thị trường, cảnh sát môi trường, thú y đã liên tục kiểm tra, phát hiện các vụ giết mổ heo bệnh, heo thối… để tuồn ra chợ. Mỗi vụ giết mổ heo bệnh, heo chết bị phát hiện lại khiến cho người tiêu dùng phải một phen rùng mình và bức xúc.
Như ngày 5-3, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra 2 cơ sở giết mổ tại phường Tân Hòa và Hố Nai (TP.Biên Hòa). Tại phường Tân Hòa, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở của ông Trịnh Quang Thái có khoảng 800kg nội tạng trâu, bò, heo đã và đang ngâm hóa chất, chuẩn bị đem đi tiêu thụ. Cùng thời điểm này, tại cơ sở của ông Khổng Minh Đức (phường Hố Nai), đoàn kiểm tra phát hiện 200kg thịt heo và hàng chục con heo không rõ nguồn gốc đang chờ giết mổ.
Điểm d, Khoản 2, Điều 13 Nghị định 119/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi quy định: “Phạt tiền từ 6-7 triệu đồng đối với hành vi vi phạm đưa vào cơ sở giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh truyền nhiễm hoặc tẩu tán động vật chết, động vật mắc bệnh truyền nhiễm khi chưa được cơ quan thú y kiểm tra, xử lý”. Đối với các hành vi, như: giết mổ động vật tại nơi không được cấp phép, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, không đăng ký kiểm soát giết mổ… có thể bị phạt từ 2-3 triệu đồng. |
Nguy hiểm hơn, vào ngày 8-2, lực lượng liên ngành huyện Thống Nhất đã phát hiện tại cơ sở của ông Nguyễn Vương Đại (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) có 3 con heo chết đang chuẩn bị mổ thịt đem bán. Cùng thời điểm này, tại lò mổ của bà Trần Thị Kim Yến (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất), lực lượng chức năng phát hiện một số con heo chết đã ngả màu tím tái nhưng sắp được xẻ thịt đưa đi tiêu thụ.
Nói về việc kinh doanh thịt heo bệnh, heo chết đã được cơ quan chức năng phát hiện, bà Trần Thị Hoa (ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa) bức xúc: “Mỗi lần đọc báo có tin bắt các vụ heo bệnh, heo thối tôi lại thấy nơm nớp lo sợ, bởi hầu như ngày nào gia đình tôi cũng phải dùng thức ăn có liên quan đến thịt heo”.
Cùng tâm trạng bức xúc như bà Hoa, bà Nguyễn Thị Nhung (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đề nghị các cơ quan chức năng cần phải xử mạnh tay đối với các chủ lò mổ vi phạm. “Lợi nhuận từ việc mua bán heo chết, heo bệnh rất cao, nhưng khi bị phát hiện chủ cơ sở chỉ bị xử phạt vài triệu đồng thì rất khó răn đe” - bà Nhung nói.
Theo Trần Danh - Tố Tâm/Đồng Nai online