Rờn rợn khi qua cầu Chương Dương: Nâng cấp hay xây cái mới?
30 năm không phải một tuổi thọ quá cao đối với một cây cầu. Nhưng với một mật độ phương tiện vượt quá vài lần mức cho phép mà cầu Chương Dương đang phải “gồng gánh” hàng ngày thì các chuyên gia đều có cùng nhận định: Cầu Chương Dương đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử rất vẻ vang.
Nhiều năm gắn bó với ngành giao thông vận tải, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy biết rất rõ về lịch sử của cây cầu Chương Dương.
“Ban đầu Bộ GTVT có chủ trương xây cầu treo chứ không phải cầu Chương Dương bây giờ. Nhưng vì giá dây cáp quá đắt, mà kinh tế nước mình còn nhiều khó khăn nên ngày đó Bộ trưởng GTVT (lúc đó là ông Đồng Sỹ Nguyên) đã quyết định xây cầu thép dưới sự giúp đỡ tận tình của nước bạn Liên Xô. Hồi đó đang công tác tại Bộ GTVT nên tôi nhớ rất rõ sự ra đời của cầu Chương Dương đã đi vào lịch sử một cách vẻ vang. Và tên tuổi của cầu Chương Dương gắn liền với tên tuổi của nguyên Bộ trưởng Bùi Danh Liên” – TS Thủy nhớ lại.
Cơ quan chức năng có thể lựa chọn 3 phương án giải cứu cầu Chương Dương. Ảnh LD |
Sau 3 năm với những nỗ lực phi thường của đội ngũ kỹ sư cầu đường Việt Nam, cầu Chương Dương đã hoàn thành vượt tiến độ và đi vào sử dụng từ năm 1985. Khi đi vào sử dụng, toàn bộ lưu lượng xe đã đổ dồn về cầu Chương Dương, và cảnh ùn tắc trước đây tại cầu Long Biên đã hoàn toàn chấm dứt. Đồng thời thúc đẩy và kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với thủ đô Hà Nội.
“Giống như cầu Long Biên đã tồn tại hàng trăm năm nay, cầu Chương Dương cũng được làm bằng thép nên có tính năng chịu lực tốt. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp công nghệ mới hiện nay để nâng cấp cho cầu” – TS Nguyễn Xuân Thủy.
Nhưng cũng chính vì lưu lượng vận tải vô cùng lớn mỗi ngày như vậy, theo TS Thủy “việc xuống cấp theo thời gian là điều khó tránh khỏi và đã được báo trước. Bởi cầu chỉ được thiết kế với lưu lượng 4.000 lượt, nhưng thực tế cầu lại phải “gánh” tới 20.000 lượt ô tô, vài trăm nghìn lượt xe máy mỗi ngày”.
Để “giải cứu” cây cầu lịch sử này, TS Thủy cho rằng Bộ GTVT chắc chắn sẽ phải tiến hành khảo sát thật kỹ, “chẩn đoán” chính xác nhất về hiện trạng “sức khỏe” cầu Chương Dương trước khi đưa ra các phương án cụ thể. Với quan điểm cá nhân, TS Thủy đồng tình và ủng hộ trong việc lựa chọn ba giải pháp: Nâng cấp cầu – xây cầu mới ở đúng vị trí cầu Chương Dương – và xây một cây cầu mới bên cạnh cầu Chương Dương.
Trong ba giải pháp đó, TS Thủy cho rằng phương án nâng cấp cầu khả thi hơn cả. “Giống như cầu Long Biên đã tồn tại hàng trăm năm nay, cầu Chương Dương cũng được làm bằng thép nên có tính năng chịu lực tốt. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp công nghệ mới hiện nay để nâng cấp cho cầu”.
Mặc dù lưu lượng phương tiện vận tải mỗi ngày một tăng lên, nhưng theo ông sự ra đời của hàng loạt các cây cầu lân cận như cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Thăng Long, Nhật Tân… khiến cầu Chương Dương được giảm tải đi nhiều.
Tuy nhiên nếu trong trường hợp phần trụ móng cầu đã không đảm bảo thì “rất nghiêm trọng”, lúc đó có thể phải cần đến phương án hai hoặc ba. Theo phương án hai sẽ rất phức tạp vì để xây một chiếc cầu mới phải mất khoảng 5 – 7 năm, thời gian đó sẽ rất khó khăn trong việc đi lại của người dân bởi đây là cây cầu huyết mạch dẫn vào trung tâm thủ đô.
“Cầu Chương Dương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng dù với bất cứ loại cầu gì, nếu đã xuống cấp chắc chắn phải được nâng cấp, duy tu bảo dưỡng để đảm bảo chất lượng” – PGS.TS Nguyễn Văn Thụ.
Phương án ba còn kém khả thi hơn, vì xây một cây cầu mới bên cạnh cầu Chương Dương bây giờ sẽ vô cùng tốn kém. Mặt khác nếu cầu không được xây dựng ở vị trí thuận lợi thì các phương tiện sẽ không lưu thông, dẫn tới đầu tư lãng phí.
Cùng trao đổi với phóng viên Infonet về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển GTVT cũng cho rằng: “Chỉ với 30 năm thôi nhưng cầu Chương Dương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng dù với bất cứ loại cầu gì, nếu đã xuống cấp chắc chắn phải được nâng cấp, duy tu bảo dưỡng để đảm bảo chất lượng”.
Phần trụ móng cầu không đảm bảo chất lượng là một khó khăn thách thức lớn. Ảnh LD |
Theo ông Thụ nếu mật độ giao thông qua khu vực quá lớn thì có thể cân nhắc xây thêm cầu mới để giảm tải. Nhưng ông cũng tỏ ra quan ngại vì kinh phí làm cầu rất tốn kém. Vậy câu hỏi đặt ra là “nhà nước có tiền để xây mới không?”.
Trước những cảnh báo về chất lượng phần móng cầu Chương Dương, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ cho rằng nếu chỉ với một móng thì có thể khắc phục được, nhưng tất cả các phần móng cầu đều kém thì sẽ rất khó khăn nan giải. Thậm chí kinh phí để làm lại phần móng còn tốn kém hơn cả xây cầu mới.
“Cần tính toán chi phí hết sức cụ thể. Nếu làm lại phần móng ít chi phí hơn thì nên làm. Ngược lại nếu tốn kém hơn thì nên xây cầu mới”.
Hiện nay các phương tiện ô tô, đặc biệt với các loại ô tô tải trọng lớn đa phần đều chở vượt quá 2 – 3 lần trọng tải quy định. Lượng phương tiện vận tải cũng vượt quá vài lần so với thiết kế ban đầu. Cầu xuống cấp là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ cho rằng đã đến lúc phải nghĩ đến phương án sửa chữa, nâng cấp cho cầu Chương Dương.