Rác ngập ngụa Quất Lâm: “Việc này là quá tầm của Ban Quản lý"
Với vai trò là phòng ban của huyện Giao Thủy (Nam Định) chịu trách nhiệm quản lý văn hóa du lịch tại khu Du lịch Quất Lâm, ông Bùi Văn Khôi khẳng định: “Thông tin về rác thải tràn ngập tại bãi biển Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Định) là chính xác”.
Theo ông Khôi, mấy ngày nghỉ lễ vừa rồi, lượng du khách dồn về rất đông, khoảng 30 ngàn người. Hơn nữa, ý thức của khách du lịch còn hạn chế, khó quản lý được việc xả rác bừa bãi. Rác thải chủ yếu từ hoạt động du lịch. Một phần nữa là từ ngoài biển trôi dạt vào. Vì khu vực này nằm giữa 2 cửa sông (Sông Hồng, sông Sò).
“Trong ngày vừa rồi Ban quản lý Khu du lịch Quất Lâm đã huy động 30 nhân công, mỗi ngày làm việc 4 ca nhưng với phương tiện rất thô sơ nên lượng rác khổng lồ như vậy, chúng tôi khó xử lý được”- ông Khôi cho biết.
Rác thải ngập ngụa bãi biển Quất Lâm (Ảnh: Pháp luật VN) |
Ông Khôi lý giải thêm: "Bình thường hàng ngày chúng tôi có 2 người xử lý rác. Ngày nghỉ lễ, chúng tôi huy động đến 30 người. Nhưng đây chủ yếu chỉ là nhân công thuê mướn thời vụ. Phương tiện thô sơ, chủ yếu là cuốc, cào, xẻng, xe đẩy. Vấn đề thu gom không thể triệt để được. Với lượng rác khổng lồ như vậy phải cần đến 200 nhân công mới giải quyết được. Điều này cũng quá tầm kiểm soát của ban quản lý".
Ông Khôi nhấn mạnh: “Việc này chúng tôi thấy đây là trách nhiệm của Ban Quản lý đã chưa làm tốt công tác môi trường và là bài học cho công tác quản lý. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị và bàn cách khắc phục”.
Để xảy ra tình trạng như báo nêu, phía đơn vị quản lý của Giao Thủy cũng đã ý thức được hậu quả về việc này. Ông Khôi chia sẻ: “Việc này ảnh hưởng lớn đến du lịch, tác động tiêu cực đến tâm lý của du khách. Chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục sớm nhất”.
Về biện pháp khắc phục, theo ông Khôi, sắp tới, địa phương sẽ tuyên truyền cho người dân, cho du khách, bố trí các thùng rác công cộng dọc khu du lịch; hạn chế cho bán hàng rong; không cho bán hàng trên bãi biển; sẽ phải xử lý nghiêm theo pháp luật các hộ kinh doanh xả rác trên bãi tắm.
Ông Khôi cũng nói thêm: "Tới đây, chúng tôi sẽ huy động các tổ chức đoàn thể, thanh niên học sinh, sẽ có các hoạt động bảo vệ môi trường. Có thể phối hợp với Đoàn Thanh niên trong vấn đề đẩy mạnh hoạt động tình nguyện. Tiến hành tổ chức thu gom, tuyên truyền cho mùa du lịch sau. Vào ngày nghỉ lễ tổ chức các lực lượng thanh niên tình nguyện. Hoạt động của bản thân họ tác động đến người dân và du khách để có ý thức bảo vệ môi trường".
Đánh giá về ý kiến đóng góp cần cho người dân ký cam kết bảo vệ môi trường và không "chặt chém" khách du lịch, ông Bùi Văn Khôi cho rằng: “Chúng tôi sẽ tham mưu chỉ đạo hướng dẫn thành lập hội những người kinh doanh du lịch Quất Lâm. Sau này, chúng tôi sẽ tác động qua hoạt động của hội. Tiếp tục tổ chức các hội nghị tuyên truyền và cũng đã giao cho Quất Lâm để các hộ ký cam kết và xác định địa giới kinh doanh giữa các hộ và giao cho từng hộ, mỗi hộ phải đảm nhiệm vệ sinh môi trường trong địa giới của mình. Chúng tôi sẽ học hỏi, tiếp thu những ý kiến đóng góp của báo chí và cộng đồng. Chúng tôi cũng sẽ đi tham quan và học hỏi một số nơi để triển khai, không để xảy ra hiện tượng này nữa”.
Trước đó, báo chí và mạng xã hội tràn lan hình ảnh bãi biển Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Định) và bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng) ngập ngụa trong rác thải sinh hoạt. Việc này khiến cho người dân cảm thấy không an tâm nếu chọn địa điểm này du lịch cho những kỳ nghỉ sau.
Nhiều ý kiến cũng lên án ý thức bảo vệ môi trường và văn hóa du lịch của khách du lịch, nhưng cũng đặt ra vấn đề cơ quan chức năng quản lý và tuyên truyền chưa tốt tại các khu du lịch biển này.