Ra Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm
Với 93,48% đại biểu Quốc hội tán thành, Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua sáng 21/06/2017.
Nghị quyết nêu thực trạng tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn khá phổ biến; sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém;...
Nguyên nhân các hạn chế, yếu kém trước hết thuộc về sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp, sự nhận thức yếu kém và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm. Trách nhiệm chính thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhất là ở cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm có vi phạm và một phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng.
Giải trình về việc Nghị quyết đánh giá “một phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, ở một số nơi vẫn tồn tại thói quen ẩm thực không thực sự bảo đảm vệ sinh ATTP như ăn gỏi sống, tiết canh động vật và uống rượu không rõ nguồn gốc…, một số người tiêu dùng dù biết thực phẩm có độc hại, nhưng chưa chú trọng lựa chọn thực phẩm an toàn cho sức khỏe.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020. |
Nghị quyết tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016”.
Theo nội dung của Nghị quyết, để khắc phục những tồn tại, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, trong giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội giao Chính phủ 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung.
Trong đó, phấn đấu giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người, giảm tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra không đảm bảo an toàn, tăng tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm so với giai đoạn trước. Có lộ trình và giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề yếu kém: về dư lượng vượt ngưỡng cho phép của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ, thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đường phố; ngộ độc thực phẩm cấp tính và mãn tính; kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, hàng nhập lậu và gian lận thương mại; kiểm soát môi trường đất, nước cho sản xuất thực phẩm an toàn...