Quy hoạch đô thị Hà Tĩnh: Không cần đâu xa, hãy nhìn ra Nghệ An, Quảng Bình!
Đại biểu Nguyễn Trí Lạc đề xuất hãy học tập hệ thống thoát nước như thành phố Paris (Pháp) |
Hệ thống thoát nước các khu đô thị kém không đồng bộ, hễ mưa là ngập lụt, nhất là ở thành phố Hà Tĩnh, giải pháp xử lý trong thời gian tới ra sao? Đây là câu hỏi được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn Sở Xây dựng.
Đại biểu Đỗ Trí Lạc đặt câu hỏi: Cách đây 2 năm, khi đang quy hoạch TP.Hà Tĩnh, ta thuê tư vấn người Pháp, đã bàn đến vấn đề cấp thoát nước của thành phố. Lúc đó đồng chí Đặng Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh (nay Chủ tịch UBND tỉnh) có đặt vấn đề: Thành phố Paris (Pháp) có hệ thống cấp thoát nước phía dưới như một cái cảng biển, đó là thành phố hiện đại. Vậy, nhìn từ thành phố lớn, thành phố chúng ta sẽ quy hoạch hệ thống cấp thoát nước như thế nào trong tương lai?
Ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Sở Xây dựng trả lời: Hầu hết quy hoạch của chúng ta là phủ kín từ quy hoạch chung đến phân khu chi tiết, cái “nuôi” thực hiện quy hoạch chương trình đặc biệt thoát nước chưa có chương trình cụ thể. Do đó, khi có một trận mưa lớn nước mưa và nước thải đi chung nên hệ thống thoát nước dễ bị bồi lắng lòng mương gây kém hiệu quả tiêu, thoát nước.
Khi thành phố hình thành, hệ thống thoát nước trong khu dân cư thời đó chưa có quy hoạch; mặt khác, khẩu độ tuyến thoát nước nhỏ lại chưa được nâng cấp, cải tạo nên không còn đáp ứng với sự phát triển của đô thị. Thời gian về dài, đô thị phát triển, cơi nới, xây dựng nhà cửa ảnh hưởng lớn đến hệ thống thoát nước…
Tư lệnh ngành xây dựng cho rằng không cần học đâu xa, hãy học hệ thống thoát nước của Formosa. |
Giải pháp trước mắt chống ngập lụt theo ông Tiến là sẽ quy hoạch lại bộ hệ thống thoát nước toàn tỉnh, cái này đã được tỉnh phê duyệt. Theo đó, sẽ huy động nguồn lực đầu tư cải tạo, xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn tài trợ từ các tổ chức khác.
Cụ thể, triển khai hoàn thiện trục tiêu thoát nước chính của thành phố; đầu tư các tuyến kênh từ các sông ngòi; đầu tư xây dựng hệ thống hồ điều hòa nhằm điều tiết nguồn nước vào mùa mưa cũng như lúc thủy triều lên; đầu tư 5 trạm bơm cưỡng bức tại các vị trí cầu cống ở các huyện. Tính đến lúc này, thành phố Hà Tĩnh đang nâng cấp, cải tạo các tuyến mương, cống thoát nước ở các trục đường chính…
"Để học được Paris không phải đơn giản mà hãy học Formosa. Họ xây dựng cả một hệ thống thoát nước mặt nổi, ngầm rộng (lớn) đến mức một chiếc xe tải lớn đi lọt. Có tiền để xây dựng, quy hoạch lại hệ thống thoát nước thành phố như ý anh Lạc là rất hay" - ông Tiến nói.
Việc gây ngập lụt liên quan nhiều đến cấp phép xây dựng. Phải làm rõ trách nhiệm cấp phép các công trình xây dựng trên địa bàn. Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Hà Văn Trọng giải trình: Trên cơ sở lưới cốt theo quy định của ngành xây dựng, thành phố đã tiến hành cấp phép và thanh tra, kiểm tra sau cấp phép. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố cũng thừa nhận, tình trạng vi phạm sau cấp phép chiếm 25-30%.
UBND thành phố đã chỉ đạo điều chỉnh cốt xây dựng theo đúng quy định đối với với 90% số công trình vi phạm cốt xây dựng. Có công trình đã xây dựng dở dang nhưng vẫn phải cưỡng chế làm lại. Thành phố cũng đã xử lý một số cán bộ đô thị và lãnh đạo chính quyền cơ sở để xảy ra những vi phạm này.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, việc quy hoạch hệ thống cấp thoát nước là một việc lớn, nhưng quản lý được việc thoát nước còn khó hơn. Trong cả quá trình dài, ta quan tâm vấn đề cấp nước mà quên rằng thoát nước rất quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng,Hà Tĩnh mưa là ngập, hãy nhìn ra Nghệ An đủ thấy ta còn hạn chế. |
Muốn vậy phải đầu tư hạ tầng thoát nước, ý thức người dân cần nâng cao. Đặc biệt, những năm gần đây biến đổi khí hậu xảy ra hiện hữu nhanh hơn so với dự báo, tác động không nhỏ đến vấn đề ngập lụt. Ý thức người dân trong quá trình xây dựng nhà cửa, nâng cốt cao lên so với mặt đường gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngập nước.
Bí thư Lê Đình Sơn chỉ rõ: "Trong việc quản lý cấp phép xây dựng nhà cửa chưa được chặt, xử lý không nghiêm. 10 nhà, có 3 nhà làm sai, đây chính là ngăn dòng chảy. Tôi biết nhiều gia đình xây sai nhưng đơn vị quản lý phạt rồi vẫn cho làm. Số liệu mà đồng chí Chủ tịch thành phố đưa ra về vi phạm sau cấp phép 25-30% tôi nghĩ là chưa chuẩn xác, mà phải nhiều hơn".
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nói thẳng, tư lệnh ngành xây dựng cần nhìn thẳng vào thực tế. Ngập lụt đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế - xã hội và môi trường. Tình trạng ngập úng diễn ra ngày càng nặng cho thấy các giải pháp của ngành đưa ra chưa thực sự hiệu quả. Rồi việc quy hoạch đô thị phải kết nối với xây dựng giao thông. Không vì lợi ích trước mắt mà băm nát quy hoạch. Không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn ra TP.Vinh (tỉnh Nghệ An), tỉnh Quảng Bình xem 2 thành phố đó họ quản lý quy hoạch của họ quá tốt, để thấy Hà Tĩnh còn hạn chế.