Quy định quyền tịch thu tang vật chưa phù hợp
Quy định quyền tịch thu tang vật chưa phù hợp
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, Chánh thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội – Vũ Quốc Phan cho biết: Luật XLVPHC quy định Thanh tra viên có quyền phạt đến 2.000.000 đồng là phù hợp. Tuy nhiên, quyền “tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng” là chưa phù hợp vì các tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính thường có giá trị cao hơn 2.000.000 đồng;
Ông Vũ Quốc Phan - Chánh thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì |
Luật XLVPHC cũng cần đưa biện pháp “tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính” vào luật bởi có như vậy mới có thể ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành chính, vì việc tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (nếu có) cũng không thể áp dụng được ngay khi có hành vi vi phạm hành chính;
Lực lượng Thanh tra xây dựng đang được thí điểm thực hiện tại TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh theo Quyết định 89, ngày 18/6/2007, của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định 89, Chánh thanh tra xây dựng quận, huyện có thẩm quyền xử phạt đến 10.000.000 đồng (tương đương thẩm quyền của Trưởng công an quận, huyện). Quy định này đã góp phần không nhỏ trong việc quản lý trật tự xây dựng. Nay, nếu Luật XLVPHC không có quy định về thẩm quyền của Chánh thanh tra quận, huyện sẽ khiến việc xử lý vi phạm hành chính không được kịp thời, việc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra càng gặp khó khăn hơn.
Còn ông Lê Minh Tuyên, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm – Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá: Phạm vi điều chỉnh của Luật XLVPHC theo quy định trong dự thảo là quá rộng, không nên đưa các biện pháp xử lý hành chính vào luật mà nên tách ra, quy định trong một văn bản pháp luật khác;
Ông Lê Minh Tuyên - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội |
Nhiều khái niệm còn thiếu, không cụ thể rất khó cho người thực thi công vụ áp dụng pháp luật. Cụ thể: Khoản 9 Điều 2 quy định, phương tiện (có đăng ký) là chỗ ở, khiến việc kiểm tra phương tiện gặp rất nhiều khó khăn khi phương tiện đó chở hành hóa trái phép vì thủ tục kiểm tra chỗ ở cần nhiều loại giấy tờ; khoản 11 Điều 2 quy định, tình thế cấp thiết phải là tình thế “gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa”, là không phù hợp vì đã là tình thế cấp thiết thì khó lượng được hậu quả. Ngoài ra, nên đưa thêm quy định: Số lượng hàng hóa hoặc giá trị hàng hóa như thế nào, bao nhiêu là lớn?
Về thẩm quyền xử phạt, nên bỏ cụm từ “các lĩnh vực tương ứng” tại các điều 40, 41, 42 về thẩm quyền của Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển mà phải quy định cụ thể từng lĩnh vực. Vì nếu quy định như trên, người áp dụng dễ nhầm với cơ quan có thẩm quyền chung (UBND các cấp).
Quy định về Quyết định xử phạt trường hợp không lập biên bản cũng nên bỏ phần “địa điểm xảy ra vi phạm, các chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vụ vi phạm” bởi việc ra quyết định xử phạt không lập biên bản là nhằm đơn giản hóa việc xử lý vi phạm hành chính, nếu ghi vào quyết định sẽ quá dài.
Ngoài ra, cũng nên cân nhắc mức phạt tối đa (2 tỷ đồng) áp dụng trong một số lĩnh vực bởi nếu đưa vào cũng khó cho việc áp dụng trên thực tiễn (người vi phạm không có khả năng hoặc không nộp phạt).
Kiên trung
(thực hiện)