Quốc hội phê chuẩn Nghị quyết về Công ước chống tra tấn
Sáng 28/11, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (sau đây gọi tắt là Công ước chống tra tấn).
Các ĐBQH biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết về Công ước của Liên hợp quốc |
Theo Báo cáo giải trình, tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết về quy định không áp dụng trực tiếp Công ước chống tra tấn, có ý kiến đề nghị không quy định vấn đề không áp dụng trực tiếp Công ước như trong dự thảo Nghị quyết; có ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ để áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Công ước.
Về vấn đề này, UBTVQH cho biết: Hiến pháp năm 2013 khẳng định Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Điều 12 Hiến pháp).
Công ước chống tra tấn là điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người. Do đó, để thực hiện Công ước thì Việt Nam cần nội luật hóa quy định của Công ước vào hệ thống pháp luật, nhất là đối với các quy định của Công ước mà pháp luật Việt Nam chưa quy định. Do vậy, UBTVQH xin được tiếp thu và thể hiện nội dung này như Điều 3 của dự thảo Nghị quyết.
Về việc tổ chức thực hiện Công ước tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung: “...Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”. UBTVQH tiếp thu ý kiến này và đã thể hiện tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Các ĐBQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người với 438/438 đại biểu có mặt tán thành, đạt tỷ lệ 88,13% tổng số ĐBQH.
Cùng buổi sáng, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước chống tra tấn.
Theo báo cáo giải trình, vẫn có một số ý kiến của ĐBQH cho rằng cần bỏ Điều 2, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết vì phê chuẩn Công ước thì phải thực hiện toàn bộ Công ước và trách nhiệm này không phải chỉ riêng của Chính phủ.
Có ý kiến đề nghị cần bổ sung đối tượng chịu trách nhiệm thực hiện Công ước, theo đó bổ sung Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm quyền hạn của mình tổ chức thực hiện công ước tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết.
UBTVQH cho biết, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết đã thể hiện tinh thần Việt Nam cam kết thực thi toàn bộ các quy định của Công ước; Điều 3 của dự thảo Nghị quyết đã tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu quốc hội bổ sung quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Vì vậy, UBTVQH xin đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại Điều 2 và thể hiện lại Điều 3 như trong dự thảo Nghị quyết.
Với 440/440 (đạt 88,53% tổng số ĐBQH) các ĐBQH có mặt đã tán thành, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.