"Quốc hội gần 500 người, làm sao doanh nghiệp rượu, bia lobby hết được"?
Chiều 10/6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã giải thích xung quanh những “xì xào” về lợi ích nhóm thao túng dự án Luật Phòng chống tác hại rượu, bia.
Khi PV báo chí đặt vấn đề, vừa rồi dư luận cho rằng có đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được doanh nghiệp rượu, bia mời đi du lịch và tham quan các doanh nghiệp rượu bia ở nước ngoài, châu Âu, sau đó về đã có những phát biểu đứng trên lập trường là ủng hộ sự phát triển của các doanh nghiệp rượu bia. Vậy Quốc hội có những quy định nào để phòng ngừa việc các nhóm lợi ích dùng các cách như vậy để tác động đến ĐBQH trong quá trình xây dựng luật không?.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi |
Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ quan được giao thẩm tra dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia và ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, bản thân ông cũng “được người ta đặt trong nhóm vận động cho lợi ích của doanh nghiệp, nhưng rất tiếc dự thảo luật này lại giao cho đồng chí Đặng Thuần Phong (Phó Chủ nhiệm Ủy ban) chủ trì trực tiếp, không phải tôi”.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết thêm, “tôi phải nói rằng rất nhiều các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức nước ngoài mời chủ trì hội thảo, tuy nhiên bản thân tôi chưa dự một cuộc hội thảo nào hết, tôi phải nói nghiêm túc như vậy”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng khẳng định, “về mặt nguyên tắc, không ai được các nhóm lợi ích nhóm mời đi với tư cách nghiên cứu nhưng lại nhằm mục đích lobby. Còn việc nghiên cứu thì Bộ Y tế đã mời một số đại biểu, chúng tôi có cử ủy viên thường trực đi, nhưng là đi với tư cách Bộ Y tế mời đi để nghiên cứu chính sách và kinh nghiệm của các nước.
Còn nếu là ĐBQH đi theo cách doanh nghiệp và các tổ chức mời mà không phải đi nghiên cứu chính sách thì điều này “không đúng với tinh thần” và Quốc hội không cho phép như vậy”.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng thông tin thêm, chưa khi nào cơ quan làm luật lại nhận được nhiều ý kiến như luật này. “Tổ chức hay DN nào lobby thì đó là quyền của họ. Nhưng vấn đề quan trọng là mình phải bảo đảm lợi ích của tất cả các bên, chứ không phải các anh sản xuất bia lại yêu cầu phải như thế này, như thế kia theo ý của anh sản xuất bia…. Ở đây, chúng tôi tính phương án cân bằng tất cả các bên”.
Theo đó, 13 cơ quan gửi văn bản đến TVQH, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội là cơ quan cuối cùng phải tập hợp.
“Đến phút chót họp ủy ban, chúng tôi phải giành một buổi sáng để họp tất cả các chuyên gia, bộ ngành và 13 cơ quan để giải trình.
Hôm họp, cơ bản các chuyên gia và cơ quan bộ, ngành đều đồng tình. Tuy nhiên vừa rồi vẫn có những cơ quan nghe thông tin việc này, việc kia và có văn bản ý kiến. Tôi nghĩ rằng chuyện này cũng rất bình thường.
Quan trọng là chúng ta làm sao giữ được kỷ cương, làm sao pháp luật của chúng ta đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và điều đau buồn nhất là tình hình tai nạn giao thông xảy ra trong những tháng vừa qua do nạn rượu bia nghiêm trọng
Tôi nghĩ đến giờ phút này, cách tiếp thu, cách giải trình của Ủy ban TVQH đã được các bên cơ bản đồng tình”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc |
Liên quan đến vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh thêm, Quốc hội gần 500 người, “làm sao các doanh nghiệp có thể lobby được hết. Dư luận nói như vậy chắc là một vài người đi khảo sát thôi, chứ làm sao anh có thể lobby được tất cả các ĐBQH”.
Theo Tổng thư ký Quốc hội, quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất chặt chẽ, có muốn cũng không được. Có thể dư luận cho rằng vì quyền lợi của các doanh nghiệp nhưng không phải, chúng ta phải sũy nghĩ là quyền lợi của người dân, quyền lợi của doanh nghiệp và quyền lợi của Nhà nước là 3 yếu tố luôn luôn phải tôn trọng.