Quốc hội 13 bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng thì Quốc hội 14 làm gì?
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có cuộc trao đổi với PV Infonet và một số cơ quan báo chí về việc Quốc hội khóa 13 sẽ kiện toàn các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng… tại kỳ họp 11.
- Thưa ông, còn chưa đầy 1 tuần nữa, Quốc hội (QH) sẽ tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt như: Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ. Vậy đến thời điểm này, QH đã nhận được đơn xin miễn nhiệm chức vụ của ai chưa?
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Theo Điều 11 của Luật Tổ chức Quốc hội, việc này không phải nộp đơn. Việc này cơ quan sẽ trình ra Quốc hội, đề nghị bầu và miễn nhiệm, đề nghị phê chuẩn, do đó không phải đơn.
- Vậy hiện đã có đơn vị nào chuyển đơn sang Quốc hội chưa?
Chưa. Hiện chưa đến thời gian đó.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. (Ảnh: Tuổi trẻ) |
- Còn chưa đầy một tuần nữa QH sẽ bầu các chức danh lãnh đạo mới mà giờ chưa có gì trong tay, liệu quá trình chuẩn bị có quá gấp gáp?
Không có gì cả, chỉ cần chờ cơ quan Đảng trình sang thôi.
- Thưa ông, một nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước tương đương với nhiệm kỳ của QH, vậy việc tiến hành kiện toàn sớm các chức danh này nên được hiểu như thế nào?
Đây là một bước kiện toàn. Điều này cũng không phải là điều mới. Tại kỳ họp thứ 9 khóa XI cũng đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn một số thành viên của Chính phủ.
Tại kỳ họp thứ 9, QH khóa XI đã thực hiện rồi cho nên đây không phải là lần đầu tiên.Vì vậy, việc kiện toàn trong nhiệm kỳ là việc luật pháp cho phép, Luật Tổ chức Quốc hội cho phép.
Hơn nữa, sau khi chúng ta tổ chức Đại hội Đảng thành công xong, một số chức danh không tham gia cấp ủy nữa, vì thế để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, cũng để kiện toàn một bước lãnh đạo chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau cho nên tổ chức kiện toàn ngay tại kỳ này của khóa XIII. Còn sang khóa sau sẽ kiện toàn sau khi có kết quả bầu cử.
- Theo quy định mỗi người chỉ được đảm nhiệm một chức danh trong 2 nhiệm kỳ. Nếu như kiện toàn các chức danh trên vào cuối nhiệm kỳ này khi thời gian chỉ còn khoảng 2 - 3 tháng có thể cho là một nhiệm kỳ?
Về mặt năm tháng thì cũng là một nhiệm kỳ. Tuy nhiên, thực chất thì không phải là một nhiệm kỳ vì anh không đủ 5 năm. Thời gian có thể gọi anh là lãnh đạo của nhiệm kỳ này nhưng chưa đủ 5 năm.
- Thưa ông, nếu kỳ này bầu xong kỳ sau lại bầu lại, như vậy sẽ tốn thời gian tương đương của ĐBQH, như thế có lãng phí thời gian của đại biểu?
Thời gian này có việc miễn nhiệm, còn sau chỉ là bầu mới. Vì vậy sẽ không mất thời gian như thế này.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13, công tác nhân sự như sau:
Sáng 30/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội.
Sáng 31/3, Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ trước Quốc hội.
Chiều 31/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Sáng 2/4, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Sáng 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng.
Sáng 7/4, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ tại Quốc hội.
Ngày 8/4, tân Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Tới 9/4, Thủ tướng trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Sau khi bỏ phiếu kín, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.