Quát CSGT, đỗ xe ăn bún: Quan chức lạm quyền!?
Quan chức đang lạm quyền?
Dư luận đang phản ứng gay gắt xung quanh việc bà Lê Mai Trang - Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân, Hà Nội tỏ ra bề trên khi người dân phản ứng với việc đỗ xe ô tô chở bà và việc Trung tướng Võ Văn Liêm cự cãi, quát mắng gay gắt với cảnh sát giao thông khi bị yêu cầu dừng xe, phạt lỗi.
Hình ảnh Phó chủ tịch quận Thanh Xuân (áo xanh) trong vụ đỗ xe ăn bún làm nóng dư luận mấy ngày qua (nguồn ảnh cắt từ clip) |
Trao đổi với phóng viên Infonet về câu chuyện này, ĐBQH, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT Quốc dân Hoàng Văn Cường cho rằng, những trường hợp như thế không phải là nhiều. Cán bộ công chức nói riêng và quan chức nói chung phần nhiều là người tốt, biết lắng nghe dân dù đúng sai thế nào trước hết họ cũng lắng nghe đã. Nếu dân đúng, họ thực hiện theo còn dân sai thì họ phân tích thấu tình đạt lý để dân hiểu ra.
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Quan chức phải biết lắng nghe, lý giải nếu đối phương chưa hiểu, nắm rõ vấn đề chứ không phải dùng quyền lực để trấn áp, đe dọa |
“Phần đông cán bộ công chức có tố chất như thế, chứ không phải tất cả giống như bà Trang hay ông Liêm mà báo chí nhắc đến nhiều trong thời gian vừa qua. Đối với trường hợp Phó Chủ tịch Quận Thanh Xuân, việc đầu tiên ứng xử không chuẩn đó là không biết lắng nghe dân. Đã đỗ xe sai, nếu có chuyện bà Trang huy động cả công an chủ tịch phường can thiệp thì chuyện đấy thực sự nghiêm trọng. Bởi bà ấy đã dùng quyền lực được Nhà nước giao cho mình chống lại dân”- ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh
“Lãnh đạo Hà Nội cần phải kiểm tra, làm rõ xem mức độ như thế nào. Chỉ đơn thuần không biết lắng nghe dân thì bà ấy là người thiếu trách nhiệm- cần phải tự kiểm điểm và xin lỗi dân. Còn nếu dùng quyền lực của mình chống lại dân, đe dọa dân thì việc đó nghiêm trọng”- ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Với trường hợp ông Võ Văn Liêm, ĐB Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, mình là người cán bộ, có nhận thức, có hiểu biết luật pháp thì phải chỉ cho người ta thấy hành vi nào đúng, hành vi nào sai và nếu cố tình sẽ phải chịu những hậu quả. Nhưng ở đây, ông Liêm đã giơ thẻ ngành, dùng quyền lực để đe dọa xử lý cả cấp cao hơn nữa thì không được.
“Người sai (nếu có) là cảnh sát giao thông đang thực thi nhiệm vụ chứ tại sao lại có thể nói xử lý cả giám đốc công an tỉnh… Điều này thể hiện việc lạm quyền, dùng quyền lực của mình để can thiệp vào những việc không đúng chức năng quyền hạn được giao” – ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Hành xử kiểu bề trên
Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) lại nhận định: Việc còn tồn tại cán bộ có lối hành xử kiểu bề trên như ông Liêm, bà Trang là một biểu hiện của quan lại thời phong kiến. Thói quen của thời kỳ phong kiến là người cầm quyền không thực hiện quy định đã đặt ra thì mới chứng tỏ mình là người có quyền lực.Việc làm ngược lại các quy định mà không ai xử lý được mình thì đó mới là người có chức. Nhiều cán bộ làm như vậy để tăng thêm cái oai của mình đang cho thấy thói phong kiến vẫn tồn tại trong xã hội của chúng ta.
"Tôi cho rằng thái độ của bà Phó chủ tịch quận Thanh Xuân là chưa đúng mực.
Những hành vi như của bà Trang, ông Liêm có tính nguy hại rất lớn cho xã hội. Một hành vi rất nhỏ nhưng nó bộc lộ nhiều vấn đề như văn hóa tổ chức, văn hóa quản lý xã hội. Vấn đề nhỏ nhưng có chiều sâu lớn. Những hành vi như trên, đã phản ánh sự thiếu tôn trọng luật pháp trong xã hội của chúng ta. Người có chức, có quyền chưa hẳn đã tuân thủ luật pháp. Tình trạng này phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà không riêng lĩnh vực giao thông…” – GS Quý Đức nhấn mạnh.
ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, những trường hợp như thế không phải là nhiều nhưng “chính số rất nhỏ ấy lại gây bức xúc trong dư luận nên theo tôi cơ quan quản lý phải có kiểm tra, điều tra xử lý nghiêm minh thì mới giữ được niềm tin của người dân đối với cán bộ đồng thời cũng là biện pháp răn đe với những cán bộ khác”- ĐB Hoàng Văn Cường nói.
Do đó, để không gây “bất bình” trong dư luận, ĐB Cường cho rằng, quan chức trước hết phải ứng xử theo đúng luật, ngay cả khi người khác có hành xử với mình chưa đúng thì việc cần làm của các quan chức là “phải biết lắng nghe, lý giải nếu người ta chưa hiểu, nắm rõ vấn đề chứ không phải dùng quyền lực để trấn áp, đe dọa lại. "Nếu hành xử như vậy tôi cho rằng đó là việc hết sức nguy hiểm” - ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.