Quán ven đường "chặt chém" người đi xe máy về thành phố sau Tết
Những ngày này, hàng trăm nghìn người dân đã lựa chọn đi xe máy đổ về TP.HCM. Tại cửa ngõ phía Tây, phía Đông Sài Gòn xe máy mang biển số các tỉnh miền Đông, miền Trung, miền Tây nối đuôi nhau trên đường. Từng đoàn xe máy kéo dài mỗi xe 2 người, chất đầy hành lý, quà quê mang lên phố.
Nườm nượp dòng người từ miền Tây đổ về TP.HCM đoạn qua QL 1A huyện Bình Chánh, Q.Bình Tân |
Anh Đỗ Văn Hiểu (20 tuổi, Bình Thuận) vượt qua hơn 200km để trở lại TP.HCM học tập cho biết: anh cùng với mấy người bạn khác xuất phát từ 8 giờ sáng ngày 6 Tết và đã đến địa phận Đồng Nai vào trưa cùng ngày. Mặc dù di chuyển đường dài bằng xe máy nguy hiểm nhưng đành chấp nhận vì không thể mua được vé tàu, vé xe, vả lại lựa chọn đi xe máy để tự chủ động lịch trình và trải nghiệm những vùng đất mới.
“Mua vé tàu phải chờ đúng ngày, đúng giờ. Đi xe máy mình chủ động, mệt thì nghỉ, chỗ nào đẹp thì ghé thăm quan. Đường xấu, bụi bặm, xe ngày Tết nó lại chạy nhanh, tôi cũng sợ nhưng phải đi cẩn thận thôi”, anh Hiểu tâm sự.
Vợ chồng anh Trần Văn Quang (30 tuổi, Cà Mau) đang trên hành trình từ miền Tây-TP. HCM với đồ đạc lỉnh kỉnh. Để vượt hơn quãng đường 300km, trước khi đi anh đã rủ thêm bạn bè để đi cùng, kiểm tra kỹ phương tiện đi đường, duy trì tốc độ 40km/h và chú ý quan sát.
Điều khiến nhiều người dân bức xúc là hầu như ven đường lộ nơi nào cũng có tình trạng “hét giá” gấp 2,3 ngày thường. Anh Quang chia sẻ: ngày 6 Tết, khi vợ chồng tôi đến ngã bảy Hậu Giang có ghé ăn uống một quán võng ven đường. Tôi gọi 2 dĩa cơm sườn và 2 ly nước mía. Lúc tính tiền, chủ quá lấy giá 100.000 đồng, trong đó 2 dĩa cơm là 70.000 đồng, 2 ly nước mía 30.00 đồng. Tôi có hỏi sao giá cao vậy, chủ quán bảo giá ngày Tết mà. Tôi rất bực mình nhưng vẫn phải bấm bụng trả tiền.
Câu chuyện của anh Quang cũng chính là câu chuyện của rất nhiều người bị “chặt chém” khi ăn uống dọc đường. Anh Lê Văn Dũng (28 tuổi cùng bạn gái) hành trình từ Khánh Hòa- TP.HCM. Trưa mùng 6 Tết, anh và bạn gái đi xe máy đến địa phận Ninh Thuận đói bụng ghé quán dọc đường ăn cơm. Dĩa cơm chỉ cơm, trứng và ít rau muống và ly trà đá mà chủ quán hét giá 80 ngàn. Khi anh hỏi chủ quán có tính nhầm không thì bị chủ quán nạt nộ, trừng mắt.
Để tránh tình trạng “chặt chém”, năm nay Đỗ Văn Hiểu (20 tuổi, Bình Thuận) cùng nhóm bạn quyết định chuẩn bị sẵn đồ ăn uống: mang lương khô, bánh tét, vài lít nước lọc và 2 tấm bạt nhỏ 1 trải dưới, 1 trải trên để nghỉ ngơi khi dừng chân. Từ Bình Thuận tới Sài Gòn anh nghỉ ngơi 3 lần, không phải ghé quán. Đi lại chỉ tốn tiền xăng, không bị chặt chém vô tội vạ.
Rút kinh nghiệm, nhiều người dân đi xe máy từ các vùng miền lên TP.HCM đã truyền tai nhau kinh nghiệm: Ăn uống phải chọn quán gần chợ hay ngay chợ thì giá hợp lý và không bị chặt chém. Còn giải khát cứ quán nước mía mà chọn thì giá nhẹ nhàng, chấp nhận được.
Sau đây chùm ảnh ghi nhận những nỗi vất vả của dòng người từ miền Tây đổ về Sài Gòn trong các ngày sau Tết tại QL 1A đoạn qua huyện Bình Chánh, Q. Bình Tân (TP.HCM):
Đường xá bụi bặm, xa xôi... là những hiểm nguy rình rập bên đường đối với những người đi xe máy trở lại thành phố sau Tết |
Vất vả nhất là các em nhỏ |
Nhiều quán ăn, quán uống nước, sửa xe dọc QL 1A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đều đẩy giá gấp đôi ngày thường. Một tô hủ tiếu 30.000 đồng., 1 chai nước sting 20.000 đồng. Trong ảnh chụp chiều 7 Tết. Theo các chủ quán phải qua ngày 10 Tết, giá mới trở lại bình thường |
Để tránh bị "chặt chém" nhiều người dân đã chuẩn bị sẵn nước uống, đồ ăn tại nhà. Đi tới đâu mệt là nghỉ dừng tại đó. |