Quan điểm của Bộ Ngoại giao Việt Nam về sự chuyển hướng chính sách Biển Đông của Phillipines và Malaysia
Người phát ngôn Lê Hải Bình. |
Ngày 3/11, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, phóng viên đặt câu hỏi liệu có sự ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Việt Nam hay không khi gần đây, các quốc gia Đông Nam Á là Philippines và Malaysia có sự chuyển hướng trong giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.
"Mới đây, Philippines và Malaysia bày tỏ muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng kênh song phương. Người Phát ngôn cho biết việc này ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Việt Nam và tình hình Biển Đông như thế nào?", phóng viên đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình một lần nữa khẳng định lại lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam mong muốn các bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông tuân thủ luật pháp trong quá trình giải quyết tranh chấp, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).
"Như tôi nhiều lần nêu rõ, việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình. Cụ thể, các tiến trình giải quyết tranh chấp phải dựa trên tinh thần của Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)".
Ông Lê Hải Bình cũng khẳng định, Việt Nam luôn giữ lập trường nhất quán trong việc giải quyết tranh chấp trên biển. "Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề tranh chấp liên quan đến song phương thì giải quyết bằng kênh song phương. Còn các vấn đề đa phương, có nhiều bên liên quan thì phải giải quyết thông qua nhiều bên".
Câu hỏi của phóng viên được đưa ra trong bối cảnh gần đây, Philippines có nhiều tuyên bố sẽ trung lập hơn trong quan hệ giữa Mỹ và chuyển hướng tăng cường thiết lập ngoại giao với Trung Quốc.