Quan chức nghỉ hưu đón Tết như thế nào?
![]() |
GS Đặng Hùng Võ |
Nhân dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dành cho phóng viên Infonet một cuộc trò chuyện khá cởi mở và thẳng thắn về chủ đề "Tết và quan chức".
Infonet: Nhiều quan chức khi đương nhiệm mỗi dịp Tết đến là lúc khách khứa vào ra liên tục, ngay lúc này ông có cảm giác hụt hẫng không khi không còn đương chức?
GS Đặng Hùng Võ: Tết với tôi khi đã nghỉ hưu không khác gì so với lúc đương chức. Đối với công việc có khi còn bận hơn bởi hàng ngày tôi vẫn làm việc thậm chí có năm làm đến 30 Tết. Có khác chăng là sát Tết, giành chút ít thời gian sắm Tết cho gia đình.
Đối với tôi, Tết đơn giản thế thôi. Bởi từ xưa đến nay chả phải đi biếu xén ai và số người đến biếu xén mình nói thật cũng có nhưng chỉ là anh em bạn bè và học trò (đến với tôi bằng tình cảm chứ không vì động cơ này kia trong đó).
Đến nay, tôi đã hướng dẫn khoảng 30 tiến sĩ đã tốt nghiệp. Trong số 30 tiến sĩ ấy có khoảng 20 người đều là những người tử tế, vì thế mỗi độ Xuân về, ngay lúc tôi đương chức hay khi đã nghỉ hưu họ vẫn đến chúc Tết tôi với bó hoa, tấm thiếp, gói mứt hay gói bánh …rất mộc mạc, dân dã. Còn quan chức khác như thế nào thì tôi không biết.
Infonet: Ông có cho rằng, Tết nay đã khác Tết xưa rất nhiều, đặc biệt ở khu vực Thành thị khi mà hầu hết người lớn “sợ Tết”, còn trẻ con cũng không còn mong chờ Tết để được mẹ may cho tấm áo mới?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng bên cạnh những bất cập mà bạn vừa mới nêu ra thì giá trị cốt lõi của Tết vẫn được gìn giữ vẹn nguyên. Bởi những ngày Tết có không khí gia đình nhất, lúc đó mọi người mới buông công việc để ngồi với nhau - ít nhất kể lại những công việc trong năm. Điều ấy tạo ra không khí ấm cúng trong gia đình.
Tất nhiên ở Hà Nội thì quang cảnh Tết nó không được như ở nông thôn. Tôi cho rằng Tết ở nông thôn mới là Tết thú vị với tập tục gói bánh chưng, quây quần bên hơi ấm nồi bánh chưng, quanh đó trẻ con đánh bài, người lớn tuổi uống trà rượu… Tôi cho rằng ở nông thôn, ngày Tết có đặc thù hơn ở Hà Nội. Bởi Hà Nội, mọi thứ đều được bày bán sẵn, giả dụ có ai muốn gói bánh chưng cũng khó kiếm chỗ nào để luộc…
Dù sao đi nữa, với tôi cái Tết ở Việt Nam có phong vị riêng, nó mang tính gia đình ấm cúng. Quanh năm làm ăn, ngày Tết là ngày ngồi xả hơi, đoàn tụ, gặp gỡ những thành viên trong gia đình.
Infonet: Nhiều người thành thị hiện nay không về quê ăn Tết, cũng không tất bật nấu nướng suốt mấy ngày lễ… thay vào đó là những chuyến du lịch. Ông quan niệm về vấn đề này như thế nào? Với gia đình ông, có bao giờ ăn Tết một nơi không phải là nhà?
GS Đặng Hùng Võ: 5 năm vừa qua, tôi ăn Tết ở Hà Nội mà chưa đi chơi xa được vì con bé con còn bé quá. Năm nay cũng chưa có kế hoạch đi đâu, nhưng từ sang năm trở đi có lẽ Tết cũng mang nó đi đâu đấy cho vui bởi cháu bắt đầu chủ động được rồi, chứ không phải chăm nom đặc biệt.
Theo tôi, trong cả kỳ nghỉ lễ dài ngày, sau khi thăm thú họ hàng, anh em còn thời gian 2 -3 ngày đi chơi xa cũng tốt.
Infonet: Thực hiện Chỉ đạo của Ban Bí thư yêu cầu không bắn pháo hoa trong dịp Tết, dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách, Hà Nội cũng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này, ông có cảm thấy buồn không khi Hà Nội không còn những màn bắn pháo rực rỡ lúc giao thừa?
GS Đặng Hùng Võ: Tuổi hiếu kỳ của tôi qua rồi nên không có khái niệm đi chơi Bờ Hồ xem bắn pháo hoa đón giao thừa. Có chăng là năm nào vui thì lên tầng 5 thấy xung quanh nơi này, nơi kia bắn thế thôi chứ thời điểm đó ra đường chen vai, thích cánh mệt lắm.
Mỗi người có cách nhìn về pháo hoa khác nhau, cũng như trước đây chúng ta cấm pháo chẳng hạn, lúc đầu nhiều nhà cũng cảm thấy khó chịu nhưng rồi họ cũng nhận ra việc cấm đốt pháo có lý của nó (ít nhất là bảo vệ môi trường, đỡ tốn một lượng tiền quá lớn vào chuyện đốt pháo vì có những nhà đốt vài chục bánh suốt mấy ngày Tết). Tôi cho rằng việc cấm bắn pháo hoa mặt nào đó không hay nhưng mà cũng có rất nhiều mặt hay. Bởi với người dân pháo hoa không còn lạ lẫm gì, cũng nhiều lần được nhìn thấy rồi. Giờ không bắn nữa sẽ vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường.
Infonet: Cảm ơn Giáo sư!