QH sẽ tìm giải pháp tránh lãng phí, rút ngắn thời gian họp
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tới đây dự kiến sẽ diễn ra trong 28,5 ngày |
Theo kế hoạch Văn phòng Quốc hội đưa ra, dự kiến kỳ họp thứ 9 tới đây, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 28,5 ngày, được khai mạc vào ngày 20/5/2015 và bế mạc vào 25/6/2015.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp này Quốc hội sẽ dành 21 ngày cho vấn đề xây dựng pháp luật, nhằm xem xét thông qua 11 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết (7,25 ngày) và cho ý kiến 15 dự án luật (13,75 ngày).
Bên cạnh đó, các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác sẽ được diễn ra trong 6,5 ngày. Thời gian này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015…
Quốc hội cũng dành một ngày cho việc thực hiện giám sát chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Tại kỳ họp tới, Quốc hội cũng dành thời lượng 2,5 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. Ngoài ra Quốc hội cũng xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2016 trong thời gian nửa ngày.
Đối với một số dự án Luật rút ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 8, Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các đơn vị sớm khẳng định việc có trình dự án Luật này tại kỳ họp thứ 9 hay không.
Số lượng các dự án trình Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến lần đầu rất lớn, Văn phòng Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, nội dung, tài liệu các dự án luật…trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại các phiên họp tháng 1, 2, 3, hạn chế tập trung vào phiên tháng 4 và tháng 5/2015.
Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, một số phiên họp không sử dụng hết quỹ thời gian, trong khi nhiều nội dung lại thiếu thời gian thảo luận. Để tránh lãng phí thời gian, rút ngắn thời gian tiến hành kỳ họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Hội đồng dân tộc, các Ủy ban xem xét kỹ các nội dung thuộc trách nhiệm, từ đó đề xuất thời gian và cách thức tiến hành đối với từng nội dung cho phù hợp, nâng cao hiệu quả thảo luận, nhất là các phiên họp tại tổ.