Putin chiến thắng có lợi cho quan hệ Việt - Nga
Putin chiến thắng có lợi cho quan hệ Việt - Nga
Trước hơn 100.000 người ủng hộ bên ngoài điện Kremlin, ứng cử viên Tổng thống Vladimir Putin xúc động rơi nước mắt tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga nhiệm kì tới.
Tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử “rộng rãi và trung thực”, ông Putin đã bỏ xa các đối thủ trong cuộc chạy đua vào điện Kremlin với kết quả kiểm phiếu ban đầu lên tới 63,4%. Người về nhì là Chủ tịch đảng Cộng sản Gennady Zyugano cũng chỉ được có 17% số phiếu.
Trước đó, Đài Truyền hình Nga công bố, tỷ lệ số phiếu mà ông Putin thu được là 64,77%, ông Zyuganov là 17%. Ba ứng viên khác đạt chưa tới tỷ lệ 10% số phiếu bầu. Theo kết quả này, ông Putin cũng giành chiến thắng áp đảo.
Thủ tướng Putin và Tổng thống Medvedev cùng xuất hiện trên sân khấu của cuộc mít minh chào mừng chiến thắng của Putin. Ảnh: RIA |
Khẳng định “Lãnh tụ của nước Nga đã, đang và vẫn là Putin”, ông Bùi Đình Dĩnh đồng thời chia sẻ nhận định của mình về đường lối đối ngoại của LB Nga sau khi ông V.Putin tái đắc cử Tổng thống.
Clip ghi lại hình ảnh Thủ tướng Putin rơi lệ khi tuyên bố thắng cử
Một Putin Tổng thống sẽ khác thế nào với một Putin Thủ tướng?
- Theo Hiến pháp Nga, Tổng thống là người quyết định mọi vấn đề của đất nước, cả đường lối đối nội và đối ngoại. Vì vậy nếu đắc cử Tổng thống ông sẽ có quyền lực hợp hiến để thực thi quyền quyết định đường lối đối nội, đối ngoại của nước Nga.
Ông Bùi Đình Dĩnh trình quốc thư lên Tổng thống Nga Putin năm 2007
Với trọng trách là Thủ tướng trong 4 năm qua, ông Putin không có danh chính ngôn thuận để quyết định đường lối đó, nhưng ông đã có ảnh hưởng rất lớn và rất quan trọng trong việc thiết lập và thực thi chính sách đối nội và đối ngoại của nước Nga.
“Chiến lược phát triển nước Nga đến năm 2020” được Hội đồng Nhà nước Nga thông qua ngày 8/2/2008 theo đề xuất của ông Putin (được gọi tắt là Chiến lược Putin) trong đó có đường lối đối ngoại đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện. Do đó, dù ông Putin là Thủ tướng hay Tổng thống thì nguyên tắc cơ bản đường lối đối ngoại của Nga hiện nay vẫn không thay đổi.
Nhưng trong bối cảnh Mỹ vừa đưa ra chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta có nên kì vọng vào một sự chú tâm hơn của Nga đối với khu vực này, đặc biệt là với Việt Nam?
- Theo tôi nghĩ, sẽ có sự quan tâm hơn. Ông Putin thắng cử, nước Nga sẽ phát triển mạnh hơn, vai trò ở khu vực và thế giới sẽ được tăng cường, nên nước Nga sẽ quan tâm hơn đến khu vực này.
Còn với Việt Nam, ông Putin rất có tình cảm, cởi mở và thân thiện với đất nước và con người Việt Nam, ông luôn dành sự quan tâm cho phát triển quan hệ hữu nghị Nga-Việt, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa 2 nước.
Khi sang thăm chính thức Việt Nam tháng 3/2001, Tổng thống Putin đã ký văn bản thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước; trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 tháng 11/2006, Tổng thống Putin đề nghị 2 nước đề ra các nhiệm vụ ưu tiên hàng năm để thực thi hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược ấy…
Ông Putin thắng cử sẽ có lợi cho quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Nga và phát triển của Việt Nam.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm tháng 11/2006 (Ảnh: TTX)
Thời gian vừa qua, một số ý kiến cho rằng quan hệ Nga – Mỹ đã được cải thiện nhưng theo xu hướng mà nước Nga phải nhượng bộ khá nhiều. Ông có ủng hộ quan điểm này?
Theo tôi, sự nhượng bộ đến từ cả 2 phía, đặc biệt từ khi ông Obama làm Tổng thống, 2 bên cả Nga và Mỹ đều đã có những nhượng bộ nhất định và quan hệ 2 nước đã được cải thiện hơn thời kì Tổng thống Bush. Nhưng để cải thiện hoàn toàn thì còn là vấn đề lớn, rất khó khăn mà hai bên cần phải tiếp tục đàm phán trao đổi lâu dài.
Với sự phát triển mạnh mẽ về thế và lực của nước Nga ngày nay, vị thế của nước Nga đã khác. Phương Tây đã không còn có thể coi thường vai trò nước Nga trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Họ đã nhận thấy các vấn đề quốc tế lớn nếu không có sự tham gia của Nga thì không thể giải quyết.
- Đó là một nhà lãnh đạo thông thái, có đầu óc chiến lược, nhìn xa trông rộng, một người lãnh đạo bản lĩnh và quyết đoán, có một khả năng nhạy bén và nắm bắt công việc rất nhanh, có trí nhớ tuyệt vời, có khả năng diễn thuyết rất lô gích, rõ ràng, đễ hiểu, có hiểu biết sâu sắc về gần như mọi lĩnh vực.
Tôi thực sự ấn tượng khi chứng kiến ông Putin trả lời báo chí hàng năm. Trước 500 – 600 phóng viên trong và ngoài nước, với hàng trăm câu hỏi họ đặt ra về tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, kĩ thuật, y học, giáo dục, thể thao…, thậm chí cả… gia đình và tình yêu, ông đã trả lời một cách ngắn gọn, súc tích, rõ ràng với những kiến thức uyên bác, với những số liệu đủ và đúng đến khó tin, trong khi ông không nhìn, không đọc bất cứ tài liệu nào.
Ông Bùi Đình Dĩnh chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng thống Nga Putin (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thế còn ý kiến cho rằng Putin… độc đoán?
- Tôi không nghĩ như vậy. Tôi thấy ông Putin là con người của công việc, con người nguyên tắc. Với một đất nước nhiều người hùng như nước Nga, một dân tộc thông minh, một dân tộc hùng mạnh, nhiều người tài giỏi, thì phải có một lãnh đạo tài năng, sáng tạo, bản lĩnh, trí tuệ như vậy mới có thể đứng đầu nổi.
Ông Putin có một khả năng đặc biệt trong việc khuất phục người đối diện bằng trí tuệ và sự sáng suốt của mình.
Một số báo chí nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc bình luận, Putin đang tràn đầy tiềm năng khôi phục lại hào quang cho nước Nga như dưới thời Xô Viết?
- Không phải như thời Xô Viết, nhưng đúng là Putin đang muốn đưa nước Nga trở lại là một nước có vị thế trên thế giới, một đất nước hùng mạnh về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, quân sự và nhiều mặt khác. Và điều đó phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Nga, đặc biệt là tầng lớp tri thức.
Được biết ông Putin có một câu nổi tiếng là “Ai không nuối tiếc sự ra đi của Liên bang Xô Viết là không có trái tim; ai muốn khôi phục nó là không có trí óc”?
- (Cười) Tôi thì chưa được đọc nguyên bản của câu này, nhưng tôi được nghe người khác nói lại là ông Putin từng nói: “Ai không luyến tiếc thời kì Liên bang Xô Viết cũ là người không có lương tâm; còn ai muốn khôi phục Liên bang Xô Viết cũ người không thực tế”. Dù câu nói đó là thế nào thì chúng ta vẫn có những kỉ niệm, những luyến tiếc về thời kì huy hoàng của đất nước Xô Viết vĩ đại, nhưng đúng là việc xây dựng lại nó là điều hoàn toàn không thực tế.
Nếu mô tả Putin bằng một từ ngắn gọn, ông sẽ nói…?
- Lãnh tụ lỗi lạc của nước Nga trong hơn 10 năm qua và những năm tới.
'Phải có chiến lược rõ ràng'
Trong kì bầu cử Duma Quốc gia mới đây, Đảng Cộng sản đã giành được sự tín nhiệm cao hơn hẳn so với kì bầu cử trước, đồng thời nắm được Ủy ban Quốc phòng Hạ viện. Theo ông, đây có phải là một tín hiệu khởi sắc cho một thời kì mới của Đảng Cộng sản trong nước Nga mới?
- Đúng là trong bầu cử Duma Quốc gia tháng 12/2011, Đảng Cộng sản Nga đã giành được tín nhiệm cao, số ghế của Đảng Cộng sản trong Duma đã tăng thêm 35, từ 57 ở Duma khóa 5 lên 92 ở Duma khóa 6. Đây là tín hiệu tốt cho khả năng phát triển của Đảng Cộng sản trong chính trường Nga.
Đảng Cộng sản Nga cũng như các đảng chính trị khác có chân trong Duma cần phải xây dựng được chiến lược cụ thể, rõ ràng, toàn diện hơn, khả thi hơn trong việc phát triển nước Nga đi lên mạnh mẽ toàn diện như mong muốn của nhân dân Nga.
Họ cũng cần phải thay đổi phương thức vận động nhân dân, nắm bắt mong muốn, nguyện vọng của nhân dân để đề ra phương hướng, đường lối chính sách đúng đắn, sát với dân, phù hợp với lợi ích của đông đảo nhân dân.
Ứng viên đảng Cộng sản Nga Gennady Zyuganov luôn là người về nhì trong các kì bầu cử Tổng thống gần đây. (Ảnh: RIA)
Đảng Nước Nga Thống nhất nhiệm kì trước được 350/450 ghế, chiếm đa số Hiến pháp (trên 2/3) trong Duma Quốc gia, nên họ là nhân tố quyết định ảnh hưởng đến xã hội Nga. Nhiệm kỳ này họ chỉ chiếm đa số thường (236/450 ghế = 52,4%) nhưng họ vẫn là lực lượng chính trị lớn nhất ở Nga. Nếu ông Putin tái đắc cử, vai trò của đảng Nước Nga Thống nhất sẽ ngày càng được nâng cao.
Trong bối cảnh đó, trong những năm tới khả năng Đảng cộng sản Nga hoặc các đảng chính trị khác vươn lên để chiếm vai trò vượt trội trong xã hội Nga trước mắt là điều rất khó.
Không phải đảng viên Nước Nga thống nhất
Còn ý kiến cho rằng đảng Nước Nga Thống nhất đang nằm hoàn toàn dưới cái bóng của Putin?
- Tôi không cho rằng đảng Nước Nga Thống nhất đang nằm dưới cái bóng của ông Putin. Đảng Nước Nga thống nhất thành lập ngày 1/12/2001 trên cơ sở liên minh 3 tổ chức chính trị - xã hội: “Thống nhất”, “Tổ quốc” và “Toàn Nga”. Đây là đảng chính trị lớn nhất ở Nga hiện nay, có trên 2 triệu đảng viên, đảng có cương lĩnh và chương trình hành động phù hợp với nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân Nga.
Một điểm cần nhấn mạnh: Đảng Nước Nga Thống nhất không phải là đảng cầm quyền như cách nghĩ của một số không ít người, mà chỉ là đảng của chính quyền, có nghĩa là đảng không phải là người lãnh đạo đất nước, mà đảng chỉ ủng hộ đường lối chính sách của chính quyền và chính quyền cũng dựa vào đảng này để thực hiện đường lối chính sách của mình một cách hiệu quả.
Thực tế, ông Putin không phải là đảng viên của Đảng Nước Nga Thống nhất, nhưng giữa ông và đảng có mối quan hệ hợp tác tương hỗ từ lâu. Quan hệ giữa Đảng Nước Nga Thống nhất với ông Putin là quan hệ cùng chí hướng, cùng quan điểm trong đường lối phát triển nước Nga.
Với sự ủng hộ của ông Putin, một nhà lãnh đạo có uy tín số một ở Nga, Đảng Nước Nga Thống nhất có lợi thế phát triển mạnh mẽ. Do đó từ 7/5/2008, Đảng Nước Nga Thống nhất đã mời ông Putin làm Chủ tịch Đảng và ông đã nhận lời. (Một người không là đảng viên lại làm chủ tịch đảng là điều rất lạ với một đảng chính trị trên thế giới).
Từ những phân tích trên, không thể nói Đảng Nước Nga Thống nhất nằm dưới cái bóng của ông Putin được.
Theo VTC