'Phút mất khôn' của kẻ mang án chung thân vì giết người
Không cho ngủ nhờ nên… giết
Gặp Ngô Thành Luân (SN 1971, ở thôn Dũng Thượng, Dũng Nghĩa, Vũ Thư, Thái Bình) tại phân trại 3 của Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng). Luân lễ phép chào hỏi và tỏ ra khá hồi hộp vì “lần đầu gặp nhà báo”. Nếu không Luân mặc bộ quần áo kẻ sọc của phạm nhân thì chẳng ai có thể ngờ, người đàn ông có khuôn mặt hiền từ, giọng nói nhỏ nhẹ ấy, 10 năm về trước đã xuống tay tước đi mạng sống của hàng xóm.
Luân là con thứ 6 trong một gia đình có 7 anh, em. Mọi người trong gia đình quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cũng chẳng đủ ăn. Bởi vậy, các anh chị đều bỏ học sớm để lo cái ăn, cái mặc hàng ngày. Riêng Luân cố gắng lắm cũng chỉ học hết lớp 12. Sau khi tốt nghiệp THPT, nhìn cảnh bố mẹ đã già thường xuyên đau ốm, Luân chỉ mong có công việc ổn định, để có tiền phụng dưỡng. Luân được nhóm bạn rủ đi làm phu hồ tại công trình xây dựng trụ sở P.Ka Long, Móng Cái, Quảng Ninh. Với đức tính cần cù, cở mở, Luân được mọi người trong đội thợ rất quý mến.
Trong thời gian làm việc tại đây, Luân quen biết với anh Nguyễn Đình Hải và chị Đoàn Thị Hồng (ở Móng Cái, Quảng Ninh). Anh Hải và chị Hồng chung vốn mở quán bán hàng ăn tại khu 3, P.Ka Long. Thấy Luân là con nhà nông chân chất, hiền lành nên anh Hải rất có thiện cảm. Những lúc rảnh, Luân vẫn thường qua lại quán nhà anh Hải để chuyện trò.
Khoảng 10h ngày 10/3/2002, Luân cùng vài người bạn thợ xây đến quán nhà anh Hải ăn cơm, uống rượu. Khi ăn cơm xong đã hơn 11h, mọi người ra bàn uống nước. Luân thấy đau đầu và bảo với anh Hải là muốn nằm nghỉ một lúc trên giường trong quán ăn. Anh Hải không đồng ý và bảo Luân về. Luân bực tức và lời qua tiếng lại với anh Hải. Thấy thế, anh Hải đẩy Luân ra khỏi quán. Luân cáu tiết, sẵn có con dao cắm ngoài cửa quán, Luân vớ lấy rồi đâm một nhát vào ngực trái anh Hải. Nhát dao oan nghiệt của Luân đã cướp đi mạng sống của anh Hải, bỏ lại phía sau người vợ trẻ và 2 đứa con thơ nheo nhóc, bơ vơ.
“Ngày đứng trước vành móng ngựa của TAND tỉnh Quảng Ninh, đối mặt với tội ác mà mình gây nên, tôi nghĩ rằng mình khồng thoát khỏi tội chết. Nhìn cảnh 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Tám trong vành khăn trắng, tôi rất ân hận nhưng tất cả đã quá muộn. Cả gia đình đau khổ và tuyệt vọng trước tội lỗi mà tôi đã gây ra. Chỉ vì một phút nóng giận, tôi đã gây ra trọng tội giết người…”, Luân day dứt muộn màng khi nhắc lại chuyện cũ. Và dẫu HĐXX nhận định, hành động côn đồ của Luân chỉ là bột phát nhưng Luân vẫn phải trả giá đích đáng đã bằng bản án chung thân.
Các phạm nhân trại giam Xuân Nguyên trong giờ lao động tập trung |
Vác dao đâm chết cậu em hàng xóm
Cuộc đời của Đỗ Tiến Đông (SN 1982, ở Tiền Am, Lý Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã hoàn toàn đóng kín vì bản án chung thân về tội “Giết người’ sau cái ngày định mệnh ấy. Nạn nhân không phải là người xa lạ, đó là người em láng giềng của Đông tên Nguyễn Bá Công (SN 1986, ở cùng thôn Tiền Am). Những ngày thơ ấu, Đông và Công vẫn thường rủ nhau đi chăn trâu, đánh đáo. Nhưng rồi tuổi trưởng thành, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt, Đông đã đang tâm cướp đi mạng sống của Công, khi em đang ở tuổi tươi đẹp nhất của một đời người.
Đông không phải con nhà vô giáo dục, trái lại, gia đình Đông có tiếng mẫu mực ở xóm. Bản thân Đông cũng được ăn học hết lớp 12. Gợi lại chuyện cũ, Đông ân hận bảo rằng, đã 6 năm từ sau cái ngày gây ra cái chết oan nghiệt cho Công, anh ta đủ thời gian để thấm thía nỗi day dứt, dày vò.
Tối ngày 22/6/2006, bố của Đông đang đi trên đường làng thì bị Nguyễn Bá Công ném cát vào người và 2 bên xảy ra đánh nhau. Về đến nhà, bố của Đông kể chuyện bị Công đánh với gia đình. Tức giận, Đông tay cầm theo dao bầu cùng với những người anh em, họ hàng kéo nhau đi tìm Công để “dạy” cho thằng em hàng xóm một bài học. Trong cuộc ẩu đá, Đông đã đâm một nhát cướp đi mạng sống của Công.
Đứng trước vành móng ngựa của TAND TP.Hải Phòng, Đỗ Tiến Đông phải nhận mức án chung thân về tội “Giết người”.
Giờ thì Đông tiếc nuối lắm, anh ta bảo nếu như mâu thuẫn biết dừng lại đúng lúc thì đâu đến nỗi. Từ ngày Đông bị bắt, sức khỏe bố Đông vốn là thương binh hạng ¼ đã giảm sút nhiều, không thể tự chủ mọi sinh hoạt cho bản thân. Mặc dù bận tối mắt với ruộng vườn, nhưng mẹ Đông vẫn vào trại thăm nuôi, động viên Đông gắng cải tạo tốt, biết đứng dậy sau khi vấp ngã để sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình…
Đông đã sống trong trại giam tròn 6 năm, còn bạn tù của anh ta là Luân thì cũng đã 10 năm bị cách ly khỏi cộng đồng. Chẳng hẹn trước nhưng cả 2 phạm nhân mang án chung thân ấy đều có chung một quyết tâm cải tạo thật tốt, nuôi hy vọng về một cơ hội trở về với gia đình, xã hội.
Bảo Lâm