Phú Quang tiết lộ về khúc ca lãng mạn nổi tiếng dưới mưa bom B-52
12 ngày đêm tang tóc, đau thương
Khuôn mặt trầm tư, ánh mắt đượm buồn, ngồi lặng im, suy tư bên ly cà phê trên góc phố Triệu Việt Vương - Nguyễn Du, trong buổi chiều Đông, Hà Nội dường như hình ảnh khốc liệt, đầy tang tóc đau thương của con phố Khâm Thiên trong suốt 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội 40 năm trước lại ùa về, trào dâng trong anh – nhạc sỹ Phú Quang.
Phố Khâm Thiên tan hoang dưới mưa bom của đế quốc Mỹ |
|
Nụ cười hiếm hoi của nhạc sỹ Phú Quang. Ảnh. Xuân Hải. |
Khi kể cho tôi về hình ảnh hoang tàn trên phố Khâm Thiên cách đây tròn 40 năm, giọng nhạc sỹ Phú Quang nghẹn lại, những nếp nhăn trên khóe mắt như hằn sâu kỷ niệm bi ai, đẫm lệ ngày nào.
Sinh năm 1949, là người gốc Hà Nội, năm 1946 bố mẹ Phú Quang phải sơ tán lên Cẩm Khê, Phú Thọ và anh được sinh ra tại đây, đến năm 1954 cùng gia đình trở về Hà Nội và ở tại số nhà 49, phố Khâm Thiên. Năm 1972 khi Mỹ chuẩn bị ném bom Hà Nội gia đình anh tiếp tục phải sơ tán lên Phú Thọ, chỉ còn lại anh và vợ chồng người chị gái ở lại Hà Nội.
"Từ đêm ngày 18/12/1972 Mỹ bắt đầu ném bom đánh phá Hà Nội, xé toạc sự yên bình, cả thành phố rung chuyển trong tiếng gầm rú của máy bay, bom đạn, tiếng đạn pháo xen lẫn tiếng khóc gào tìm người thân của người dân trong các khu dân cư bị bom Mỹ oanh tạc tan hoang...." Kể đến đây, giọng nhạc sỹ Phú Quang trùng xuống, tang tóc tột độ là đêm 25/12 bom Mỹ trút xuống Khâm Thiên như trải thảm. Sáng 26, khi trở lại Khâm Thiên, anh không thể nhận ra con phố thân quen ngày nào, trước mắt anh chỉ còn lại những bức tường đổ, gạch, ngói vỡ nát, những ngọn cây bị bom Mỹ cắt ngang, cháy đen sạm, tiếng khóc gào tìm người thân cùng những tiếng kêu cứu tuyệt vọng của những người dân dưới bức tường, mái nhà đổ nát.
Nhạc sỹ Phú Quang nghẹn ngào kể lại, “Tôi nhớ mãi hình ảnh, bà cụ ở số nhà 47 phố Khâm Thiên, ngay sát nhà tôi sáng 26/12, bà đứng chết lặng trước ngôi nhà của mình, trên tay vẫn cầm nửa viên gạch vỡ, dưới đống gạch nát vụn là 26 người thân của gia đình bà, cả gia đình 27 người chỉ còn duy nhất bà sống sót. Cạnh đó loang lổ những vết thâm đen của máu cùng những mảnh xác người thân bà tìm kiếm được, chứng kiến cảnh tượng đó tôi chỉ biết đứng thất thần rồi vội vã chạy đi tìm kiếm người thân. Rất may, chị gái tôi chỉ bị thương nhẹ do một mảnh bom bay sạt qua đầu”.
Trong suốt 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội, cứ ngớt tiếng bom là người dân lại nháo nhác đi tìm gọi người thân, tiếng í ới gọi nhau xen lẫn tiếng khóc nghẹn xót thương đến xé lòng. Cũng trong suốt 12 ngày đêm đó, nhạc sỹ Phú Quang cũng phải khóc gào khi phải đào bới, gọi tìm người bạn thân nhất của anh bị bom Mỹ vùi lấp dưới đống đổ nát.
“Để cứu người dân ra khỏi những đống đổ nát lúc ấy rất khó khăn do thiếu máy móc. Người dân cũng như dân quân tự vệ, quân đội, chính quyền phải làm việc suốt ngày đêm để phá dỡ từng viên gạch, bê vác cẩn thận từng miếng bê tông để cứu người, nhưng cũng không xuể”, nhạc sỹ Phú Quang cho hay.
Sau này để tưởng nhớ những người dân đã bị bom đạn Mỹ lấp vùi trong suốt 12 ngày đêm khỏi lửa từ 18 – 29/12/1972, Hà Nội đã cho xây dựng bia căm thù ngay tại mảnh đất của 3 nhà, số nhà 47, 49 và 51. Ngôi nhà số 49 Khâm Thiên cũng chính là nơi ở của nhạc sĩ Phú Quang năm xưa. Cũng là một may mắn khi vào những ngày Mỹ ném bom rải thảm phố Khâm Thiên thì trước đó bố mẹ và nhạc sĩ đã kịp sơ tán lên Phú Thọ, nhà chỉ có vợ chồng chị gái ở lại trông nhà, bản thân nhạc sĩ thì đi về giữa Hà Nội và nơi sơ tán để tiếp tế cho gia đình. Khi nghe tin bom Mỹ ném rải thảm phố Khâm Thiên ngày 25, sang ngày 26 ông nhào về Hà Nội thì được biết chị gái chỉ bị thương nhẹ do mảnh bom văng sượt qua đầu.
Sự quật cường của quân và dân Việt Nam trong suốt 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội được hiện diện rõ với chứng tích bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52 – siêu pháo đài bay của Mỹ, chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta được thế giới gọi là "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không".
"Bia căm thù" ghi nhớ trận ném bom rải thảm của không lực Mỹ tàn phá phố Khâm Thiên tháng 12/197. Ảnh: Quỳnh Anh |
"Em ơi Hà Nội phố" - Khúc tráng ca hồi tưởng
Năm 1985, thật tình cờ khi nhạc sỹ Phú Quang gặp nhà thơ Phan Vũ tại thành phố Hồ Chí Minh và được nghe nhà thơ Phan Vũ đọc bài thơ “Hà Nội phố” sáng tác cuối năm 1972, bài thơ viết về quá khứ tang tóc, đổ nát của con phố Khâm Thiên trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội. Khi nghe xong bài thơ, cảm xúc nghẹn ngào của người nhạc sĩ dâng tràng, ngay trong đêm Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”. Sau đó, Phú Quang đã hát cho nhà thơ Phan Vũ nghe, chính Phan Vũ đã phải thốt lên “Phú Quang đã làm cho thơ của tôi sáng lấp lánh như viên kim cương vậy”.
Nhấp ngụm cà phê, nhạc sỹ Phú Quang kể, khi đọc những câu thơ “Ta còn em, nóc phố mồ côi mùa đông/ Ta còn em, cây bàng mồ côi mùa đông/ Mảnh trăng mồ côi mùa đông/Mùa đông năm ấy/Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ…" của nhà thơ Phan Vũ, quá khứ ngày nào lại trở về, hiện nguyên trong anh. Chính điều đó đã thôi thúc anh có cảm xúc từ đáy lòng để phổ nhạc cho ra đời ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”.
Sự đồng cảm giữa Phú Quang và nhà thơ Phan Vũ còn thể hiện ở nỗi niềm day dứt khôn nguôi qua câu hát “Người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân…”. Đó là con đường, phố thân quen mà nhạc sỹ đã gắn bó tuổi thơ của mình, hình ảnh những nóc nhà trên phố, rồi cây bàng, đến ánh trăng sau 12 ngày đêm của bom đạn Mỹ đã hóa thành “mồ côi” khi bị san phẳng, vùi dập điêu tàn đến nỗi không còn có thể nhận ra.
Sau khi ca khúc “Em ơi Hà Nội phố” ra đời được 2 năm, đến năm 1988 ca khúc do anh phổ nhạc đã được nhận giải Bài hát hay về Hà Nội.
“Mỗi khi hát bài này, hình ảnh tang tóc của Khâm Thiên ngày nào lại ùa về, ngập tràn trong tôi khiến lòng tôi nghẹn lại. Tối ngày 17/12/2012 khi được đài truyền hình Hà Nội mời tham dự chương trình kỷ niệm 40 năm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không ngay tại đài tưởng niệm trên phố Khâm Thiên và cũng chính trên mảnh đất của ngôi nhà tôi ở năm xưa - số nhà 49 thì hình ảnh “mồ côi” 12 ngày đêm đó lại hiện về khiến tôi không cầm được nước mắt và bằng nỗi niềm xúc cảm của mình tôi đã hát hết được bài hát đó bằng chính trái tim của người còn sống đối với những người đã khuất”, nhạc sỹ Phú Quang nói.
Tạm biệt nhạc sỹ Phú Quang trong buổi chiều mùa đông Hà Nội, hòa trong dòng người đi lại tấp nập, qua những ngôi nhà sáng ánh đèn biển hiệu trên phố Khâm Thiên, trong những tháng ngày kỷ niệm chiến thắng vang dội của quân dân Hà Nội trong trận chiến "Điện Biên Phủ trên không", đâu đó vẫn vang lên câu hát “Người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…” mà anh đã hát cho tôi nghe bên ly cà phê đắng.
Em ơi Hà Nội phố với giọng ca của ca sĩ Hồng Nhung: