“Phóng viên tử nạn khi tác nghiệp, phải coi đó là đang thi hành công vụ”
Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (ĐBQH Bình Thuận) (Ảnh: Xuân Hải) |
Thưa ông, việc phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen, Đài truyền thanh huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, bị tử nạn trên đường đi tác nghiệp đưa tin về cơn bão Haiyan (cơn bão số 14) ngày 9/11, có nên coi là đang thực hiện công vụ và được công nhận là liệt sỹ không?
Trước việc phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen, Đài truyền thanh huyện Đức Phổ tử nạn trên đường đi tác nghiệp đưa tin về cơn bão Haiyan thì Hội nhà báo Việt Nam cũng lấy làm thương xót và gửi điện chia buồn với gia đình. Và cũng thấy đây là việc làm không ngại nguy hiểm của một phóng viên trẻ khi thấy cơn bão mạnh xảy ra đã nhận nhiệm vụ đi xuống hiện trường để tác nghiệp, đưa tin về công tác chuẩn bị phòng chống bão của các ban, ngành cũng như người dân trên địa bàn.
Đối với câu hỏi về việc Nguyễn Thị Hồng Sen có được truy tặng liệt sỹ hay không thì đây là vấn đề còn phụ thuộc vào các cơ quan thực hiện vấn đề lao động thương binh xã hội theo quy định của pháp luật.
Trước đây, Hội Nhà báo đã đề xuất cần công nhận hoạt động báo chí của phóng viên, nhà báo là hoạt động thi hành công vụ. Bởi vì nghề báo chí là rất nguy hiểm, kể cả với tính mạng trong khi phục vụ sự nghiệp chính trị, kể cả việc khi tác nghiệp bị hành hung, đe dọa. Đó là chưa kể phóng viên còn gặp nguy hiểm trong khi đi làm nhiệm vụ, tác nghiệp đưa tin về cơn bão như phóng viên Hồng Sen.
Tôi cũng đã đọc báo và thấy lãnh đạo của Đài truyền thanh huyện Đức Phổ đã đề xuất, đề nghị các ban ngành của tỉnh Quảng Ngãi công nhận truy tặng liệt sỹ cho phóng viên Hồng Sen vì phóng viên này gặp nạn trong khi đang đi thi hành công vụ. Tuy nhiên, theo tôi được biết thì quan điểm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi thì việc này không nằm trong phạm vị điều chỉnh của luật nên không xử lý được.
Ở nước ta thì báo chí là hoạt động chính trị, là phục vụ sự nghiệp của Đảng, báo chí cũng giống như các lực lượng khác là bảo vệ Đảng, Nhà nước thì phải coi đó là thi hành công vụ. Phải hiểu rõ ở đây báo chí là thi hành công vụ, ví dụ như bị hành hung, bị gặp tai nạn khi tác nghiệp thì phải xét theo là đang thi hành công vụ và phải được công nhận theo luật. Cụ thể như phóng viên Hồng Sen thì tôi cũng mong Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu kỹ để áp dụng cho đúng với quy định và cũng là để có hình thức tôn vinh đối với phóng viên Hồng Sen.
Để coi việc phóng viên, nhà báo đi tác nghiệp là thi hành công vụ thì chúng ta phải sửa lại Luật báo chí, về việc này Hội nhà báo đã đề xuất để sửa lại, đưa vào luật chưa, thưa ông?
Hội Nhà báo cũng đã đề xuất để công nhận phóng viên, nhà báo đi tác nghiệp là thi hành công vụ nhưng cũng chưa nhận được sự đồng tình của nhiều tầng lớp.
Vậy Hội có tiếp tục đề xuất việc này để bảo vệ phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp?
Chúng tôi cũng vẫn tiếp tục đề xuất để công nhận việc báo chí đi tác nghiệp là đang thi hành công vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì báo chí cần phát huy, phải làm tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình để xã hội công nhận và đồng tình với việc phóng viên, nhà báo đi tác nghiệp là đang thi hành công vụ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!