Phong trào ly khai ở Vương Quốc Anh và Tây Ban Nha
Mối lương duyên 307 năm giữa Scotland với Anh và xứ Wales tưởng chừng sẽ chấm dứt vào ngày 18/9 khi Scotland tiến hành trưng cầu dân ý.
Những người muốn Scotland độc lập khỏi Vương quốc Anh cho rằng, doanh thu từ dầu khí sẽ giúp Scotland tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Trong khi đó, nhóm có quan điểm đối lập thì cho rằng sự chia rẽ sẽ khiến thuế tăng cao, khoản lương hưu bị cắt giảm và quân sự suy yếu.
Phong trào ủng hô ly khai khỏi Vương Quốc Anh ở Scotland. |
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoycho rằng, cuộc trưng cầu ý dân ở Scotland như "một quả ngư lôi" nhắm vào Liên minh châu Âu và nền kinh tế đang phục hồi sau hủng hoảng của khu vực này.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu tách khỏi Vương quốc Anh, Scotland sẽ phải có một loại tiền tệ riêng nhưng nó sẽ không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, dẫn đến thất thu trong nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn, đặc biệt là dầu khí. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng nhanh khi các tập đoàn lớn quyết định rút vốn hoặc chuyển hướng hoạt động.
Số lượng cử tri Scotland tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc Scotland tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh thành một nhà nước độc lập, đã lên tới gần 4,3 triệu người.
Theo kết quả kiểm phiếu chính thức, người dân Scotland đã quyết định lựa chọn việc tiếp tục là một phần của Liên hiệp Vương quốc Anh. Cụ thể, cuộc trưng cầu dân ý cho thấy có 55,3% cử tri phản đối với việc tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh, còn 44,7% đồng ý.
Một cuộc tuần hành kêu gọi trưng cầu ý dân về độc lập ở Catalonia, Tây Ban Nha. |
Ở xứ Catalonia, Tây Ban Nha cũng diễn ra tình trạng tương tự. Ngày 9/11, gần 2 triệu người trong tổng số 5,4 triệu người dân Catalan và công dân nước ngoài từ 16 tuổi trở lên đủ điều kiện tham gia cuộc trưng cầu dân ý đã đi bỏ phiếu tại vùng tự trị Catalonia và nhất trí về việc ly khai khỏi Tây Ban Nha, bất chấp sự phản đối từ chính quyền nước này.
Catalonia vốn là một vùng tự trị ở đông bắc Tây Ban Nha với 7,5 triệu dân và đóng góp gần 1/5 cho nền kinh tế nước này. Là một trong những vùng giàu có nhưng lại nợ nần nhiều nhất, trong những năm gần đây, Catalonia càng mong muốn giành được độc lập khi Tây Ban Nha đang đối mặt với suy thoái kinh tế và các bê bối chính trị.
Theo lãnh đạo vùng Catalonia, Joana Ortega, khoảng 80,72% cử tri Catalonia đã nói đồng ý về việc ly khai.
Động thái này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Madrid khi cho rằng cuộc trưng cầu dân ý về độc lập này là “vô ích và vô tác dụng”.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khẳng định Catalonia và Tây Ban Nha hoàn toàn khác với trường hợp Scotland và Anh. Bởi hiến pháp Tây Ban Nha cấm một vùng trưng cầu dân ý về việc tách khỏi đất nước để thành lập quốc gia độc lập.