Phong tỏa núi Cấm, hàng hóa bị “làm giá"
Phong tỏa núi Cấm, hàng hóa bị “làm giá"
Tăng mạnh nhất là mặt hàng xăng dầu khoảng 10.000đồng /lít, đẩy giá xăng lên 35.000đồng/lít. Giá gạo cũng bị nâng lên bình quân 7.000-10.000đồng/kg, đưa mức giá gạo lên kỷ lục từ trước đến nay ở khu vực này, tương đương 20.000-30.000 đồng/kg tùy loại. Bên cạnh đó, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng tăng lên, cùng với nhiều dịch vụ.
Đây có thể được coi là sự lợi dụng tình hình để đẩy giá của một số chủ cửa hàng vì thực tế, sau sự cố sạt lở núi, lượng khách du lịch lên núi Cấm giảm rất mạnh, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa phục vụ khách du lịch theo đó cũng giảm.
Khoảng 2 tuần nữa khu vực này mới được dọn dẹp an toàn
Trao đổi với PV Infonet về khả năng cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm, ông Chau Sóc Phươl, Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm huy động toàn lực lượng tham gia đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của người dân đang sinh sống trên núi”.
Trước tình hình trên, ngày 8/5, ông Ngô Hồng Yến, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên đã chỉ đạo xã An Hảo huy động cán bộ công nhân viên tham gia đai vác hàng lên núi Cấm để bình ổn giá. Chính quyền địa phương cũng vận động người dân trên núi có con em đang theo học các trường dưới núi tạm thời không để con em về nhà trong thời gian đơn vị thi công khắc phục sự cố sạt lở. Mỗi học sinh ở lại sẽ được hỗ trợ tiền trọ và chi phí ăn uống trong suốt quá trình các đơn vị thi công khắc phục điểm sạt lở.
Phong tỏa đường lên núi Cấm
Trong khi đó, do trong ngày 8/5 có mưa nhiều nên tình hình an toàn tại khu vực xảy ra sạt lở trở nên phức tạp. Ông Nguyễn Hữu Duẩn, GĐ Cty TNHH Hữu Duẩn, đơn vị được chọn thi công khắc phục hiện trường sạt lở cho biết, đã đưa 10 lao động lành nghề đến hiện trường làm việc, nhưng do trời nhiều mưa nên tốc độ làm việc bị chậm và nhiều khả năng thời gian hoàn thành công việc có thể kéo dài hơn dự kiến ban đầu là 15 ngày.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngày 8/5, UBND tỉnh An Giang đã ban bố lệnh nghiêm cấm tất cả người dân và hạn chế đến mức thấp nhất cán bộ đi vào đường dẫn lên núi Cấm cho đến khi an toàn. Vì vậy theo ông Lê Minh Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển du lịch An Giang cho biết, đại lễ cầu siêu sẽ được tổ chức sau thời gian hoàn thành việc khắc phục thiên tai. Theo kế hoạch ban đầu, Công ty mời sư chùa Vạn Linh (chùa Lá) trên đỉnh núi Cấm tổ chức lễ cầu siêu ngay tại hiện trường với sự tham gia của trên 300 tăng ni, phật tử.
Bảo trân