Phòng, chống tham nhũng: Vai trò của người đứng đầu còn mờ nhạt!
Ông đánh giá thế nào về việc phát hiện tham nhũng trong thời gian gần đây chủ yếu là qua sự tố cáo của người dân, qua báo chí rồi thanh tra, kiểm toán?
Thực tế đúng là như vậy. Có những vụ sai phạm rất lớn và chỉ khi những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở Trung ương vào cuộc thì mới phát hiện thôi chứ các bộ, ngành quản lý không phát hiện ra những vụ vi phạm. Ngay cả các cơ quan chính quyền địa phương cũng vậy, rất ít phát hiện vi phạm cho nên trách nhiệm của người đứng đầu trong việc này còn rất mờ nhạt.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP. Hồ Chí Minh). |
Vậy phải có cơ chế tiếp nhận thông tin trong việc người dân phát hiện tố cáo tham nhũng?
Bây giờ nếu nói người dân phát hiện tham nhũng thì rất khó, bởi họ đứng ngoài cuộc. Để phát hiện ra tham nhũng phải là người trong cùng cơ quan nhà nước, họ mới phát hiện được khoản này là tham ô, khoản kia là hối lộ, cố ý làm trái. Nhưng cái quan trọng nhất là chính các cơ quan thanh tra và kiểm toán phải là các cơ quan độc lập.
Tôi lấy ví dụ, Kiểm toán Nhà nước năm vừa qua phát hiện rất nhiều vi phạm về kinh tế. Nói như vậy để khẳng định vai trò của thanh tra, kiểm toán là rất quan trọng như là điều tra chung và trước đây trong ngành kiểm sát có kiểm sát chung đi vào các cơ quan quản lý nhà nước, đi vào các doanh nghiệp để phát hiện những sai phạm và khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thì khởi tố. Tuy nhiên, hiện nay bộ phận này đã bị bỏ đi rồi, chỉ còn bộ phận thanh tra, kiểm toán. Theo quan điểm của tôi thanh tra kiểm toán phải cho họ hoạt động độc lập. Ví dụ như tới đây sửa Hiến pháp, Kiểm toán sẽ độc lập, Tổng kiểm toán do Quốc hội bầu ra để tách khỏi hành pháp, khỏi Chính phủ chứ bản thân thanh tra hiện nay vẫn nằm trong Chính phủ. Độc lập nghĩa là phải có vị trí độc lập hẳn với cơ quan hành pháp, cơ quan nắm quyền và nắm kinh tế thì mới hiệu quả.
Vừa qua trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp có đề nghị khi cơ quan thanh tra kiểm toán không phát hiện ra tham nhũng mà cơ quan khác phát hiện ra thì cũng bị xử lý, theo ông điều này có khả thi không?
Cũng có trường hợp khi thanh tra một cơ quan, một vụ việc rõ ràng có vi phạm xảy ra nhưng không chuyển cơ quan điều tra mà sau này cơ quan điều tra phát hiện ra thì cũng nên xem lại cơ quan thanh tra như thế nào. Có những vụ việc cơ quan thanh tra cho rằng chỉ là vi phạm thông thường cho nên chỉ kiến nghị xử lý hành chính hoặc kỷ luật. Đó cũng là một cách giải thích nhưng theo tôi không ổn lắm, bởi vì việc gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ là những người có chức vụ quyền hạn làm trái pháp luật thì phải là tội phạm chứ không thể nói là vi phạm được. Vấn đề này không phải là do nhận thức mà là do thiếu một vị trí độc lập, vướng víu về vị trí pháp lý, vướng víu về quyền lực, tiền bạc. Để giải quyết vấn đề này phải có những ủy ban độc lập.
Việc này đã được đặt ra trong việc sửa Luật phòng, chống tham nhũng lần này chưa, thưa ông?
Vấn đề này chưa được đặt ra sâu lắm. Ví dụ như Chủ tịch tỉnh ra một quyết định thu hồi đất trái pháp luật, làm thay đổi quy hoạch... Tất cả những điều đó thuộc về chính sách, đó mới là cái lớn và muốn đi vào tham nhũng phải đi vào những vấn đề đó.
Đó có thể được coi là lợi ích nhóm ?
Đương nhiên đó là lợi ích của một bộ phận người, người nào nắm quyền, nắm chính sách thì phải xem. Cho nên vai trò của Quốc hội và các cơ quan dân cử là phải giám sát việc ban hành chính sách. Vấn đề là phải tăng cường việc xây dựng Luật, cùng với đó cần tăng cường kiểm soát các văn bản quy phạm pháp luật.
Việc chạy chức chạy quyền đang diễn ra và việc tham nhũng là để bù lại “kinh phí” mà người mua quyền, chức đã bỏ ra?
Đúng vậy, khi bổ nhiệm cất nhắc muốn vào một vị trí này thì phải mất bao nhiêu tiền và sau khi anh vào được vị trí đó rồi thì phải thu lại và kéo theo từ một người thành nhiều người.
Để hạn chế tham nhũng công tác tuyển chọn cán bộ sẽ là khâu quan trọng. Tuyển chọn cán bộ là phải thi cử như thời phong kiến khi đỗ trạng nguyên thì mới bổ nhiệm quan lại, cán bộ phải bằng con đường thi cử chứ không thể bằng con đường bỏ phiếu, bổ nhiệm. Thi cử, thi tuyển với một chế độ học hành tử tế, thi tuyển bằng thực tế năng lực và thường xuyên phải được bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu như trong một lĩnh vực mà người lãnh đạo quản lý không được tốt thì phải đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, nếu thấp quá thì thôi. Ở nước ngoài, việc từ chức, thay đổi nội các liên tục nhưng xã hội vẫn vận hành, tại sao ở ta khi bổ nhiệm rồi cứ khư khư giữ chỗ ngồi mãi.
Xin cảm ơn ông!